Trang Thông tin điện tử huyện Tam Đường

http://tamduong.laichau.gov.vn


Hiệu quả từ cây Cam V2

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, những năm gần đây đời sống kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bản Giang đã trở lên khá giả. Trong đó, cây Cam V2 đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân nơi đây, giúp người dân nâng cao thu nhập và dần hình thành vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện.
Sau 5 năm đưa vào trồng giống Cam V2 trên địa bàn 2 xã Bản Giang và Bản Hon, đến nay cây Cây cam đã bắt đầu cho thu hoạch, nhìn những cây cam chĩu quả cho thấy đây là cây trồng không chỉ giúp người dân xoá đói, giảm nghèo mà còn giúp nông dân làm giàu trên chính quê hương mình.
          Những năm về trước Bản Giang vẫn được coi là địa phương có thế mạnh về  cây ăn quả, ngoài quýt Đường canh, cam sành... do đó đến năm 2013 Tam Đường đã đưa thêm giống cam V2 vào trồng ở đây. Qua 5 năm trồng và chăm sóc giống cam này sinh trưởng và phát triển khá tốt, hiện đã cho thu hoạch năm đầu tiên. Đến thăm vườn cam của gia đình Giàng Văn Ái ở bản Nà Bỏ - xã Bản Giang, chúng tôi thấy anh và gia đình đang tích cực chăm sóc, làm cỏ cho cây cam, theo anh Ái cho biết: trước đây trên diện tích 1 ha vườn đồi của gia đình chủ yếu trồng chè và ngô, sau khi huyện có chủ trương đưa giống cam V2 này vào trồng gia đình anh đã mạnh dạn bỏ ngô và trồng Cam xen chè. Năm nay cây cam đã ra quả và bắt đầu cho thu hoạch, hiện anh đã thu hái và đem bán trên thị trường thành phố: Anh Giàng Văn Ái hi vọng: Nhìn vườn cam tươi tốt và sai quả như thế này chúng tôi rất phấn khởi mong muốn sẽ mang lại một nguồn thu nhập khá cho gia đình. Chúng tôi cũng hi vọng nhà nước sẽ tìm đầu ra cho sản phẩm để chúng tôi yên tâm chăm sóc và phát triển thêm diện tích cam.

Chị Vàng Thị Đoàn bản Nà Bỏ đang thu hái Cam để bán.
 
          Ngay sát gia đình anh Ái là vườn cam của gia đình chị Vàng Thị Đoàn, theo chị Đoàn cho biết gia đình chị có 5.000m2 đất thì chị quyết định không trồng ngô nữa mà chuyển sang trồng cam trên toàn bộ diện tích của gia đình. Với 200 gốc cam hiện nay đã cho thu hoạch bình quân mỗi gốc cũng được từ 15 đến 20 kg quả, với giá bán hiện tại từ 15 đến 20.000/kg thì cũng cho thu nhập được khoảng 40 đến 50 triệu đồng, hơn hẳn so với trồng ngô trước kia. Chị Đoàn nói: Với giá bán hiện nay gia đình tôi thấy so với việc trồng ngô trước kia thì cây cam bây giờ cho hiệu quả hơn hẳn, chúng tôi chỉ mong muốn có thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con để chúng tôi yên tâm.
          Được biết hiện nay Tam Đường có trên 135 ha cây cam các loại, trong đó diện tích cam V2 vào khoảng hơn 50 ha tập chung ở 2 xã Bản Giang và Bản Hon. Theo đánh giá của Phòng nông nghiệp huyện thì giống Cam V2 này có ưu điểm là dễ trồng, dễ đầu tư chăm sóc, hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Do đó, để duy trì diện tích cam hiện có cũng như từng bước mở rộng diện tích và xây dựng vùng cam chuyên canh, xây dựng thương hiệu cam cho Bản Giang nói riêng và cho sản phẩm cam của Tam Đường nói chung vẫn cần sự nỗ lực của bà con nhân dân cũng như các cơ quan nhà nước để đảm bảo cho cây cam của Tam Đường phát triển bền vững. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Hùng Cường - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho rằng: Với giá bán hiện tại trên thị trường hiện nay dao động từ 15 đến 25 nghìn đồng/kg và với mật độ trồng trung bình vào khoảng 500 cây/ha thì thu nhập bình quân 1 ha đạt được từ 90 đến trên 100 triệu đồng/ha. Bước đầu khẳng định cây cam cho hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định cho bà con nông dân. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo bà con nhân dân ở các xã, thị trấn có diện tích cam tiếp tục duy trì diện tích cam hiện có và hướng dẫn người dân   chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm quả cam.
          Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân, tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, “ Trồng cây gì? nuôi con gì?” vẫn đang là bài toán khó giải của nhiều địa phương, nhất là những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Nhưng với huyện Tam Đường, bài toán đã có lời giải đó là việc mạnh dạn đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong đó cây cam V2 là một ví dụ. Đây sẽ là hướng đi đúng, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 

Tác giả: Hoang Cường

Nguồn tin: Đài TT-TH Tam Đường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down