Độc đáo trò chơi Tù Lu của người H’Mông

Thứ ba - 23/03/2021 22:16 2.301 0
Từ lâu nay, đồng bào dân tộc Mông đã có nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: Ném pao, đẩy gậy, rồng ấp trứng, bắn nỏ... Đặc biệt, là trò chơi tu lu thu hút đông đảo người dân tham gia, được lưu truyền gìn giữ như một nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Mông.
Con tu lu đã gắn liền với tuổi thơ mỗi người dân tộc Mông, khi 5- 6 tuổi, những đứa trẻ Mông đã được bố mẹ, ông bà làm cho tu lu để chơi cùng bạn bè. Trò chơi tu lu đòi hỏi người chơi không những phải có thể lực tốt mà còn phải có sự khéo léo, phán đoán chính xác. Do khi chơi tu lu thường va đập mạnh, nên người chơi thường chọn những loại gỗ cứng, dẻo như: Nghiến, đinh, sến... để làm tu lu. Sau khi chọn được gỗ sẽ đẽo gọt tạo thành hình dạng con quay có hai đầu, đầu nhọn đóng một chiếc đinh cứng làm điểm quay, đầu còn lại được gọt bằng làm điểm đánh của những người chơi khác. Con tu lu được đẽo gọt to, nhỏ khác nhau để phù hợp với thể lực của từng người chơi, trung bình nặng từ 300g - 500g. Dây quay tu lu được se bằng sợi lanh, dài hơn 1 mét, nối với một đoạn gậy làm bằng cành cây cứng, hay cành trúc thẳng, nhỏ, cỡ bằng ngón tay cái, dài khoảng 40-60 cm. Sân chơi tu lu thường là một bãi đất rộng, mặt sân bằng phẳng, xung quanh rộng rãi, đảm bảo an toàn cho cuộc chơi và đủ rộng cho người xem đến cổ vũ. Ông Lý Páo Thào, bản Hồ Pênh, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, năm nay ông 57 tuổi, là một người rất “sành” trong cách làm cũng như cách chơi của môn tù lu này, chia sẻ thêm với chúng tôi về tù lu, ông Thào nói thêm: “Tù lu là một trò chơi dân gian của dân tộc người H’Mông chúng tôi, đã qua nhiều thế hệ nó vẫn còn giữ được nguyên vẹn giá trị văn hóa của nó. Thường chúng tôi sẽ thường tổ chức chơi Tù lu vào những ngày giáp Tết, cứ gần Tết thanh niên trong bản gần như ai cũng đều có cho mình 1 đến 2 cái Tù lu mới. Từ người già đến trẻ đều tụ tập tại một bãi đất rộng để chơi, không khí vui lắm. Qua những dịp như vậy thì nhiều thanh niên vẫn còn giữ gìn được nét đẹp của môn thể thao này. Tuy nhiên, để nó không bị mai một thì tôi cũng thường xuyên tuyên truyền và dạy cho các cháu nhỏ cách để làm và chơi trò chơi này”.
 
TL 1
Ông Lý Páo Thào dạy các cháu nhỏ cách làm quả Tù lu.

Hôm nay, là em Giàng A Nủ, Học sinh trường Tiểu học Bán trú Tả Lèng, huyện Tam Đường được các thầy, cô trong nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa để tìm hiểu cách làm và cách chơi Tù lu ở nhà ông Thào, em cảm thấy rất háo hức, em chia sẻ: “Là một người con của người dân tộc H’Mông em thấy buổi ngoại khóa hôm nay nó thực sự rất ý nghĩa đối với chúng em, khi được tìm hiểu về nguồn gốc cũng như cách làm và được trải nghiệm các trò chơi dân gian của dân tộc mình”.
Chơi Tù Lu qua việc thả quay và đánh quay diễn ra qua 3 vòng. Vòng thứ nhất, thả quay cách vạch ném chừng 3 m, tiếp vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 6 m, đến vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 9 m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng khó nhất chứng tỏ sự khéo léo và sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này. Vì vậy để có thể chiến thắng đối thủ; người chơi cần khéo léo, phán đoán, ước lượng chính xác. Chơi Tù lu là nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Mông mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày nay, đánh tu lu của đồng bào dân tộc Mông đã và đang trở thành trò chơi được nhiều người yêu thích, thu hút đông đảo các dân tộc khác đến xem và tìm hiểu. Song để gìn giữ và phát huy những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mông, cần phải có sự quan tâm để trò chơi tu lu trở thành môn thể thao thi đấu trong các ngày hội văn hóa, góp phần xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hóa các dân tộc anh em trên địa bàn huyện.
Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down