Giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc, khi thiên nhiên hào phóng ban tặng con người vô vàn sản vật, thì cũng ẩn chứa không ít hiểm họa khó lường. Chỉ một chút chủ quan, một chút tin tưởng mù quáng vào kinh nghiệm dân gian... đã khiến những bữa cơm đơn giản trở thành bữa ăn cuối cùng. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tam Đường liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc do ăn nấm rừng lạ, khiến hai người tử vong, ba người khác phải nhập viện cấp cứu. Bài viết này đã gióng lên hồi chuông về hiểm họa khôn lường từ các loại nấm mọc tự nhiên được cho là món khoái khẩu của người dân vùng cao.
Xã Sơn Bình, huyện Tam Đường nơi sinh sống của đa số người đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của bà con gắn liền với nương rẫy, với những cánh rừng già. Nấm là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nhưng ẩn sau vẻ ngoài mộc mạc ấy lại là những mối nguy hiểm chết người. Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Sùng A Pao ở bản Chu Va 8 - nơi không khí tang thương vẫn bao trùm, nỗi đau mất con vẫn còn hằn sâu trong trái tim của ông Pao. Chỉ vì một bữa ăn nấm được lấy từ lần đi nương rẫy, mà hai người con của ông đã ra đi mãi mãi vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Ông Pao kể lại câu chuyện bằng giọng run run, đầy hối hận: “Tôi không biết thì tôi đi rừng lại thấy nấm to, đẹp mình không biết là cái nấm độc nên hái về ăn, xong thì hai đứa con của tôi bị chết vì ăn phải nấm có độc. Giờ ai đi rừng thấy cái nấm đấy không biết gì thì không được hái về ăn. Cái nấm đấy thì nó ác độc, đi đâu không biết rõ thì không hái, để xảy ra cho gia đình, bây giờ hai đứa con mình cũng mất, mình cũng đau buồn lắm”

Ông Lò Văn Kiếm- bản Nà San, xã Bình Lư, huyện Tam Đường chỉ cho phóng viên loại nấm mình ăn và bị nhiễm độc
Rời xã Sơn Bình, chúng tôi đến với bản Nà San, xã Bình Lư, nơi mà may mắn mỉm cười với ông Lò Văn Kiếm đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi ăn nấm có độc tố.Trong câu chuyện ông kể: Cách đây vài ngày khi lên đồi nhìn thấy bụi nấm, ông đã hái về ăn. Ngay sau đó, ông xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, khó thở, buồn nôn và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tam Đường để cấp cứu. Do được cứu chữa kịp thời ông Kiếm đã giữ được tính mạng của mình. Câu chuyện của ông là một bài học đắt giá về sự chủ quan, thiếu hiểu biết và thói quen ăn uống tùy tiện. Ông Kiếm kể lại: “Hôm trước tôi đi làm về xong thấy nấm mọc, xong hái về ăn, ăn xong được một lúc xong là bị tức bụng buồn nôn, tôi đi viện khám thì bác sỹ bảo là bị trúng nấm độc. Từ nay tôi cũng không dám ăn nữa, tôi cũng tuyên truyền cho mọi người trong bản đừng ăn cái nấm này nữa nấm độc, không ăn nấm mọc dại không rõ nguồn gốc”
Với người vùng cao, nấm rừng từ lâu là món ăn dân dã, quen thuộc. Nhưng chính thói quen “nhìn quen là ăn”, “thấy ông bà xưa từng ăn là dùng theo” đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc nấm, các cấp ủy chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Tam Đường đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo trực tiếp tại các thôn bản. Trao đổi với chúng tôi, anh Hạng A Sính – PCT UBND xã Sơn Bình nói: “Trong mùa mưa này, thì các loại nấm mọc rất nhiều và trong đó thì cũng có các loại nấm độc. Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền trực tiếp cũng như thường xuyên đăng tin trên loa phát thanh và mỗi ngày chúng tôi đều phát 2 tin. Công tác tuyên truyền được thường xuyên và cho đến nay thì cũng đã tuyên truyền 7/7 bản để nhân dân nắm được phòng chống nấm độc trong thời gian tới”
Những chiếc nấm đội đất mọc lên sau mưa tưởng như món quà từ thiên nhiên, nhưng cũng có thể là chiếc bẫy chết người. Đằng sau đó là nước mắt, là sự ân hận muộn màng của người ở lại. Đừng để thêm một ai nữa phải ra đi chỉ vì một bữa ăn tưởng như vô hại. Hãy tỉnh táo, hãy cảnh giác – để sự sống được bảo vệ ngay từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất./.
Trọng Hoản – Ngọc Hà