Trong những năm qua, Bám sát chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, Đảng bộ, chính quyền xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Xã Nùng Nàng là xã vùng cao của huyện Tam Đường gồm 7 bản, 684 hộ, với trên 3.320 nhân khẩu, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, chiếm 99,8%. Là xã có vị trí giáp ranh với thành phố Lai Châu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, tuy nhiên dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ dân trí không đồng đều, nhân thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã đã bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, huyện để xây dựng các nghị quyết phát triển kinh tế, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Sau khi đề án phát triển cây ăn quả ôn đới được triển khai trên địa bàn, anh Ma A Thào ở bản Nùng Nàng, xã Nùng Nàng đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình trồng cây Lê. Năm vừa qua là năm thứ 3 liên tiếp Lê được thu hái quả, với diện tích trồng Lê hơn 7.000m2, trung bình một năm gia đình anh thu được hơn 50 triệu đồng. Để tiếp tục tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, năm 2023 anh đã chuyển đổi hơn 2.000m2 đất ruộng một vụ sang trồng chanh leo, tham gia mô hình gia đình được hỗ trợ giống, phân bón. Sau một thời gian trồng và chăm sóc anh nhận thấy chanh leo phù hợp với khí hậu, đất đai, sinh trưởng, phát triển tốt, vụ đầu tiên anh Thào thu về gần 30 triệu đồng từ bán quả, so với trồng lúa, chanh leo cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Anh Ma A Thào – bản Nùng Nàng, xã Nùng Nàng, Tam Đường chia sẻ: Sau nhiều năm, trồng lúa không còn hiệu quả, giảm sản lượng, gia đình tôi cũng nghiên cứu, chuyển đổi sang cây trồng khác và lựa chọn chanh leo để trồng. So với cây lúa, cây chanh leo cho hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn giúp gia đình có thêm thu nhập. Tôi trồng từ năm 2023, đã được thu 1 vụ được 25-30 triệu đồng. Sắp tới mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để gia đình mở rộng diện tích.
Mô hình chanh leo đã mang lại thu nhập cao cho nông dân Nùng Nàng
Năm 2015, trong khi loay hoay tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Vàng A Hồ - bản Phan Chu Hoa, xã Nùng Nàng được chính quyền xã tuyên truyền và mua 3 con ngựa cái về nuôi thử. Qua thời gian chăn nuôi ngựa anh thấy việc nuôi ngựa không tốn nhiều thức ăn, ít dịch bệnh, dễ chăm sóc nên anh tích cực phát triển đàn. Hiện mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu từ bán ngựa. Anh Vàng A Hồ - bản Phan Chu Hoa, xã Nùng Nàng, Tam Đường nói: Năm 2010 tôi đi nghĩa vụ quân sự về, sau khi về gia đình có nuôi cá nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhận thấy nuôi ngựa có triển vọng, nguồn thức ăn dồi dào, nuôi ngựa không cần nhiều thức ăn, nên năm 2015 gia đình mua 3 con ngựa cái về nuôi, con ngựa có thị trường tiêu thụ nhanh, đến nay gia đình có tổng đàn là 15 con. Năm vừa qua gia đình bán 4 con thu về 120 triệu. Thời gian tới gia đình tiếp tục nhân rộng mô hình ngựa để tăng thu nhập cho gia đình.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là sự vào cuộc của Cấp ủy, chính quyền xã Nùng Nàng đã nỗ lực thực hiện, triển khai các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế-xã hội tới người dân và đã tạo ra bước phát triển rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến nay, toàn xã duy trì và chăm sóc trên 33 ha chè; trồng mới 10,6 ha cây chanh leo.Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chăm sóc, bón phân, tạo cành, tỉa tán, phòng trừ sâu bệnh cho hơn 87 ha cây ăn quả; chăm sóc trên 143 ha thảo quả và gần 58 cây sa nhân. Hiện toàn xã Nùng Nàng có tổng đàn gia súc là 2882 con, trong đó: Đàn trâu 752 con, đàn dê 483 con, đàn ngựa 162 con, đàn lợn 1485 con, Tổng đàn gia cầm gần 8.000 con.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Cang Dinh – Bí thư Đảng ủy xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho biết: Trong thời gian qua, xã có nhiều chủ trương, giải pháp trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó chú trọng đưa các mô hình cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, như: Chanh leo, trồng cây dược liệu, trồng chè, nuôi ngựa… Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 38 triệu đồng/người/năm, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,36%, giảm 6,55% so với năm 2022
Nuôi ngựa đang là hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân xã Nùng Nàng
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Nùng Nàng tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy ạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, đưa những giống phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; nhân rộng các mô hình mang lại thu nhập cao cho người dân. Góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết năm 2024 và nghị quyết đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025./.
Trọng Hoản