Tam Đường - Từ huyền thoại ...

Thứ sáu - 29/10/2010 06:17 2.010 0
Không còn bao lâu nữa Tam Đường sẽ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu mới. Từ huyền thoại, Tam Đường sẽ mang một dáng vóc trẻ trung nhất Việt Nam. Huyền tích về cái tên một vùng đất
Trước đây, vùng đất này có tên là Sàn Thang và mặc dù khi đã trở thành trung tâm của cả một vùng, thì con dấu hành chính vẫn mang tên “Sàn Thang”. Theo những người sống lâu ở đây, cái tên “Tam Đường” xuất hiện đầu những năm 60 thế kỷ trước. Vì sao thì cũng không ai rõ. Nhiều người cho rằng, bởi đây là ngã ba, nơi bắt đầu của 3 ngả đường: đi Bình Lư, Mường Xo và Đông Pao. Tính theo đường chim bay, Tam Đường chỉ khoảng 50 km đến biên giới Việt - Trung. Sau năm 1979, thị trấn Tam Đường được định hình và trở thành huyện lỵ của huyện Phong Thổ. Năm 2002, Phong Thổ được tách thành 2 huyện: Phong Thổ và Tam Đường. Chưa đầy 2 năm, giờ đây Tam Đường lại mang lên mình một hình ảnh mới. Lớn và trẻ trung hơn nhiều. Nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, Tam Đường được nhiều người xem là một vùng đất “rồng chầu, hổ phục”. Dãy núi Pu Xam Cáp chạy dài phía Tây như một con rồng đang nằm, bụng ôm lấy vùng đất Tam Đường, đầu ngước vềvùng Sìn Hồ, đuôi vắt qua đất Bình Lư nhập vào dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Phía Đông Bắc, những quả núi nhấp nhô của dãy Hoàng Liên Sơn như những con hổ phục, canh cho vùng đất Tam Đường. Chuyện xưa kể lại rằng: có một người khổng lồ từ phía Bắc đi xuống Nam. Ông ta đi đến đâu, thì ở đấy vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Nhưng vì đá vôi xốp, nên người khổng lồ không thể đi xa được, mỗi bước đặt xuống, đất lại lún sâu thành ao. Mới chỉ đi được 4 bước, người khổng lồ đành phải quay lại. Vùng đất Tam Đường chính là nơi người khổng lồ đặt bước chân thứ 3 của mình. Cái tên Sàn Thang bắt nguồn từ đó. Trong tiếng Quan Hoả, “Sàn Thang” có nghĩa là “cái ao thứ 3”. Giai thoại đó như để lý giải cho việc giữa vùng rừng núi điệp trùng dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn này, có một thung lũng khá rộng rãi, trù phú về đất đai cũng như các sản vật. Đó cũng là nơi quần cư lâu đời, qua rất nhiều thế hệ của các dân tộc: Mông, Dao, Thái, Kinh, Giáy, Lự...

Và Tam Đường hôm nay

Rất nhiều người đã nhầm lẫn cái tên “Tam Đường” với Cam Đường, một địa danh nổi tiếng với nguồn khoáng Apatít ở Lào Cai. Đường lên Tam Đường khá xa xôi và cách trở. Có 3 con đường có thể đưa bạn đến với vùng đất này. Lên Lào Cai, đến Sa Pa rồi tiếp tục đi khoảng 80km, vượt qua đèo Hoàng Liên Sơn, nơi có thể ngắm nhìn “nóc nhà” Đông Dương Phansipan (cao 3.143m), bạn tới đất Tam Đường. Con đường thứ hai là quốc lộ 4D từ thành phố Điện Biên, đến thị xã Lai Châu cũ, đi tiếp 130 km nữa là đến Tam Đường. Theo Quốc lộ 32, qua Than Uyên (Lào Cai), đến Bình Lư rồi vào Tam Đường, là con đường thứ 3. Con đường ngắn nhất từ Hà Nội lên Tam Đường cũng phải trên 400 km. Đường nào cũng đèo dốc hiểm trở, nhưng mấy năm qua, đường sá đã thuận lợi rất nhiều nên Tam Đường không còn quá xa xôi, cách biệt với miền xuôi... Tam Đường có diện tích gần 45.000 ha với 17 dân tộc anh em sinh sống. Nhiều nhất là dân tộc Mông, Thái, Dao. Cả huyện Tam Đường trước đây có dân số trên 3 vạn người với 13 xã và 2 thị trấn (Tam Đường và Bình Lư). Với việc chia tỉnh Lai Châu cũ thành 2 tỉnh mới: Điện Biên và Lai Châu mới, thị trấn Tam Đường được chọn là nơi thành lập thị xã Tam Đường, tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu mới. Huyện Tam Đường vẫn được giữ tên, nhưng huyện lỵ sẽ được chuyển tới thị trấn Bình Lư, cách đó khoảng 30 km. Tại thị trấn Tam Đường, bệnh viện của tỉnh Lai Châu mới đã được khởi công xây dựng. Cách thị trấn khoảng 2 km trên đường về thị xã Lai Châu cũ, 300 ha đất đã được quy hoạch để chuẩn bị khởi công xây dựng các trụ sở, cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu mới. Mai đây, thị trấn Tam Đường hiện nay chỉ là một phần nhỏ của thị xã Tam Đường. Đất Tam Đường - Phong Thổ trước đây nổi tiếng với 2 thứ sản vật: gạo Phong Thổ do đồng bào Thái sản xuất và chè Tam Đường. Vùng Tam Đường có lúc đã được xem là vùng đất phát triển cây chè mạnh mẽ nhất của tỉnh Lai Châu trước đây. Tam Đường đã và đang phát triển giống chè Tuyết San, một loại chè nổi tiếng chỉ có ở vùng núi cao dãy Hoàng Liên Sơn. Theo dòng lịch sử, người Kinh từ miền xuôi lên đây lập nghiệp, cùng các dân tộc bản địa khai phá núi rừng tạo nên diện mạo của Tam Đường hôm nay. Nơi đây có điệu xoè người Thái, tiếng khèn Mông, sắc màu rực rõtrang phục Dao, nụ cười hồn nhiên với hàm răng nhuộm đen nhánh của những cô gái Lự...

Trước đây, cả tỉnh Lai Châu rộng lớn phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn chỉ có thị xã duy nhất, đó là thị xã Lai Châu. Năm 1994, thị xã Điện Biện Phủ được thành lập, trở thành tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu, thì thị xã Lai Châu cứ “heo hút” dần đi. Và giờ đây, cùng với việc tách Lai Châu cũ thành 2 tỉnh, lấy sông Đà làm ranh giới, thị xã Điện Biên Phủ được công nhận là thành phố cấp 3. Khi đập thuỷ điện Sơn La được hoàn thành, 2 phần 3 thị xã Lai Châu sẽ chìm dưới dòng nước sông Đà. Thị xã Tam Đường sẽ thay thế cho thị xã Lai Châu, để trở thành thủ phủ của một vùng núi rừng hùng vĩ phía Tây Bắc của đất nước. Những huyền thoại cũ vẫn sẽ tiếp tục sống mãi. Và cũng từ đây Tam Đường sẽ làm nên những huyền thoại mới về một trong những vùng đất địa đầu Tổ quốc Việt Nam!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down