Hiệu quả từ các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tam Đường

Thứ sáu - 10/03/2023 03:53 724 0
Tam Đường là huyện vùng cao với dân số gần 58.500 người; có 12 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó có hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, để nâng cao đời sống cho đồng bào, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã và đang tích cực triển khai các chính sách đối với đồng bào dân tộc đem lại hiệu quả tích cực. Phóng viên Trung tâm VHTT&TT huyện có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hiểu - Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện về vấn đề này.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian tham gia cuộc phỏng vấn với phóng viên của Trung tâm VHTT&TT huyện. Thưa ông, xin ông cho biết, trong thời gian qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện: Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như các chương trình MTQG về Y tế, Văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… hỗ trợ sản xuất được quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đã tính hợp nhiều chương trình chính sách của giai đoạn trước vào như: Chương trình 135, thực hiện quyết định 2085/QĐ-TTg, 2086/QĐ-TTg.

 
IMG 2310
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Tam Đường.

Phóng viên: Vậy thì từ các chính sách đặc thù dành cho dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả như thế nào đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thưa ông?
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện: Trong những năm qua, thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện, KT-XH của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được nâng lên, điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông, viễn thông… ngày càng được cải thiện, chính sách dân tộc, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống. Các chính sách về an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 38 triệu triệu đồng tăng 4 triệu đồng so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo còn 25,52%, giảm 6,52% so với năm 2021.

 
IMG 4232
Đồng bào dân tộc thiểu số được cấp phát giống chè để sản xuất.

Phóng viên: Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện: Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc ở huyện Tam Đường trong thời gian qua cho thấy vẫn còn một số những khó khăn vướng mắc nhất định như:
 Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và đồng bào các dân tộc chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Sản phẩm hàng hóa sau thu hoạch mới chỉ ở hình thức sơ chế và xuất bán thô là chủ yếu; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển; quản lý tài nguyên, khoáng sản có lúc còn chưa chặt chẽ; nguồn thu ngân sách chưa bền vững.
 Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, sinh con thứ 3, tảo hôn, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, giảm nghèo chưa bền vững.
 Một số chính sách dân tộc định mức hỗ trợ thấp, nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả chưa cao đặc biệt là các mô hình về chăn nuôi gia cầm, mô hình liên kết trồng chuối.
Một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chưa có hướng dẫn hoặc có hướng dẫn nhưng nhiều nội dung không đồng bộ giữa các văn bản dẫn đến khó triển khai.

 
IMG 1151
Đ/c Tẩn Thị Quế - UV BCH Đảng bộ tỉnh - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trên địa bàn huyện.
Phóng viên: Trong thời gian tới, Phòng Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND huyện những giải pháp cụ thể như thế nào  để phát huy hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số?
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện: Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của Phòng dân tộc, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho UBND huyện thực hiện một số nội dung sau:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các dân tộc trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Hai là, thực hiện tốt công tác phối hợp trong tuyên truyền, vận động nhân dân, quản lý, điều hành của Nhà nước trong thực hiện các chính sách dân tộc đảm bảo sát thực và hiệu quả.
Ba là, tăng cường khối đại đoàn kết, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và quần chúng trong thực hiện các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Bốn là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đủ trình độ để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cán bộ, đảng viên công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân và gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáu là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và pháp luật Nhà nước một cách sâu sát, hiệu quả. Thực hiện tốt việc sơ, tổng kết, thi đua, khen thưởng để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Phóng viên: Một lần nữa, trân trọng cảm ơn ông!

 
Hoàng Cường

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down