Phụ nữ Bình Lư đẩy mạnh phát triển kinh tế

Thứ tư - 16/04/2025 22:40 26 0
Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Lư, huyện Tam Đường triển khai nhiều giải pháp để đồng hành, tiếp sức cho hội viên phụ nữ trên địa bàn hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, góp phần từng bước giải quyết việc làm, nâng cao đời sống gia đình vật chất, tinh thần cho hội viên. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể cá nhân tiêu biểu điển hình biểu vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Năm 2024, chị Nguyễn Thị Chiến ở bản Thống Nhất, xã Bình Lư được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Lư giới thiệu tham gia nhóm liên kết nuôi lợn bản địa nằm trong Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam - AWEEV” do Tổ chức CARE hỗ trợ. Sau khi tham gia, gia đình chị được hỗ trợ trên 43 triệu đồng để làm chuồng trại và mua giống lợn. Nhờ được tập huấn về các kỹ năng nuôi và chăm sóc lợn, vệ sinh chuồng trại, đến nay, sau hơn một năm tham gia, đàn lợn của chị Chiến phát triển rất tốt, gia đình chị cũng đã thu về gần 100 triệu đồng sau khi bán 2 lứa lợn. Mô hình nuôi lợn của gia đình chị Chiến đã được lựa chọn là mô hình điểm của nhóm để các thành viên học hỏi và làm theo.
IMG 181
Các mô hình chăn nuôi giúp chị em phát triển kinh tế
Chị Nguyễn Thị Chiến- Bản Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, chia sẻ: Từ lúc tham gia nhóm, tôi được hỗ trợ trên 43 triệu đồng, chăn nuôi giúp kinh tế dần dần ổn định. Năm vừa rồi tôi cũng xuất được 2 lứa, khi nào xuất đàn cũ thì lại vệ sinh chuồng trại rồi vào đàn mới nên đàn lợn phát triển đều đều.
Nhóm liên kết nuôi lợn bản địa xã Bình Lư nằm trong Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam - AWEEV” do Tổ chức CARE hỗ trợ. Nhóm được thành lập năm 2022 với 17 thành viên là các chị em phụ nữ trên địa bàn xã, sau hơn 2 năm duy trì hoạt động, số thành viên tham gia nhóm tăng lên 19 chị em hội viên. Với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn vốn để phát triển kinh tế, từ đó tạo sinh kế để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ngoài việc hỗ trợ về vốn, dự án đã tổ chức các đợt tập huấn, chia sẻ kỹ năng, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại để giúp các mô hình chăn nuôi của phụ nữ phát triển hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định. 
Chị Đặng Kim Cúc - Trưởng nhóm liên kết chăn nuôi lợn, xã Bình Lư, huyện Tam Đường nói: Nhóm chúng tôi thành lập từ năm 2022, đến nay có 19 thành viên, được dự án hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, mở các lớp tập huấn về cách phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra được hỗ trợ về vốn…nên các thành viên trong nhóm kinh tế đều phát triển
IMG 182
Mô hình bí xanh mang lại hiệu quả cho hội viên phụ nữ
Hội LHPN phụ nữ xã Bình Lư hiện có trên 900 hội viên, sinh hoạt ở 15 chi hội. Những năm qua, Hội phụ nữ xã đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và được tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do phụ nữ làm chủ được nhân rộng. Đến nay,Hội đã duy trì được 4 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, 15 mô hình tiết kiệm tại các chi hội. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục thực hiện hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện cho hội viên và các đối tượng chính sách khác vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay tổng dư nợ do Hội quản lý trên 16 tỷ đồng tại 06 tổ vay vốn với 232 hộ vay. Ngoài ra, Hội còn phối hợp, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế từ các chương trình, dự án trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi chị Đèo Thị Thương -Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Lư, huyện Tam Đường: Để phụ nữ trên địa bàn có cơ hội tiếp cận với các chính sách, nguồn vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội đã phối hợp triển khai các chương trình, dự án  nhằm hỗ trợ các nhóm phát triển các mô hình, như: chăn nuôi lợn chăn nuôi gà ri bản địa; bí đao, bí  xanh… Từ các cái mô hình đấy thì đã giúp cho chị em hội viên phụ nữ là có cơ hội được làm kinh tế trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên phụ nữ xã Bình Lư có thêm nhiều kiến thức, những cách làm hay, cách làm sáng tạo, đồng thời tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ phong trào này, tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn luôn được phát huy, nhiều chị em khó khăn được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, góp phần phát huy vai trò của các các tầng lớp phụ nữ trong xã hội, từ đó cùng toàn xã thực hiện tốt chương trình giảm nghèo của địa phương.
                                                                                      Trọng Hoản

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down