Xã Bình Lư, tỉnh Lai Châu là một trong những địa phương có điều kiện khí hậu, nguồn nước lý tưởng để phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh. Đây được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân vùng cao. Tuy nhiên, cùng với hiệu quả kinh tế, người dân nơi đây cũng đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng lớn từ thiên tai, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất. Trước tình hình đó, việc ứng phó với thiên tai và chủ động bảo vệ mô hình nuôi cá nước lạnh đang được người dân và chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu.
Tháng 6 năm 2023, một trận lũ quét bất ngờ tràn qua bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (cũ) đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều hộ dân. Trong đó, gia đình ông Đỗ Trí Đoàn – một trong những hộ nuôi cá nước lạnh đầu tiên tại địa phương – đã mất trắng gần 5 tấn cá tầm, ước tính trên 1,2 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ trận lũ, ngay từ đầu mùa mưa ông Đoàn đã chủ động cải tạo lại khu nuôi cá theo hướng an toàn hơn. Ông Đỗ Trí Đoàn – Bản Chu Va 12, xã Bình Lư, tỉnh Lai Châu nói: Để tránh thiệt hại những bể nuôi cá nước lạnh do thiên tai, ngay từ đầu năm chúng tôi phải đắp lại đập chắn ở trên đầu nguồn nước để tránh trường hợp nước lũ to bị tràn; bên cạnh đó gia đình chúng tôi đã xử lý xong phần đập để chắn dòng nước, sau đó đến phần ao và các biện pháp khác như mở rộng thêm mương phòng trường hợp nước to quá thì sẽ tháo ra để nước chảy qua hướng khác.
Các hộ nuôi cá nước lạnh bản Chu Va 12, xã Bình Lư gia cố đập chắn nước lũ
Cùng với hộ ông Đoàn, nhiều hộ nuôi cá khác ở Bình Lư cũng đã chủ động thay đổi thiết kế bể, đầu tư thêm các hệ thống cảnh báo, gia cố móng và tường chắn giảm thiểu nguy cơ sạt lở và thiệt hại nếu có thiên tai xảy ra; sử dụng hệ thống camera theo dõi, mỗi giờ sẽ kiểm tra một lần tại những vị trí trọng yếu như vị trí đưa nước vào ao. Ngoài ra, việc phòng bệnh cho đàn cá khi nguồn nước bị đục cũng được các hộ nuôi cá chú trọng thực hiện. Anh Lê Văn Trung - Bản Chu Va 12, xã Bình Lư, tỉnh Lai Châu một hộ nuôi cá nước lạnh cho biết thêm: Gia đình chúng tôi gia cố các bể ao nuôi chắc chắn, khời thông các dòng chảy ở phía cuối nguồn tạo điều kiện cho nước lũ thoát nhanh…
Các hộ nuôi cá nước lạnh bản Chu Va 12, xã Bình Lư kiểm tra nguồn nước ra vào bể
Trên địa bàn xã Bình Lư hiện có hơn 300 bể và tổng thể tích nuôi khoảng gần 22.000 m³, cho sản lượng lên tới hơn 210 tấn cá mỗi năm. Xác định đây là một trong những hướng đi kinh tế chủ lực, giúp người dân vùng cao tiếp cận hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao và cải thiện đời sống, chính quyền xã Bình Lư đã chủ động vào cuộc xây dựng nhiều phương án ứng phó thiên tai, lũ quét nhằm bảo vệ đàn cá – nguồn sinh kế quan trọng của bà con. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và có các phương án phòng chống thiên tai. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Quang - Trưởng phòng Kinh tế xã Bình Lư cho hay: Chúng tôi cũng đã thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn trong đó có các thành phần liên quan, như: các trưởng bản, Công an, Đoàn thanh niên… để tuyên truyền cho bà con để có giải pháp để phòng chống thiên tai, hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ đến quá trình sản xuất, đặc biệt là nuôi cá nước lạnh.
Cá nước lạnh không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân, mà còn tạo nên niềm tin về một hướng đi mới bền vững. Tin tưởng rằng, bằng các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai, lũ quét đã và đang được chính quyền, nhân dân xã Bình Lư thực hiện, đàn cá nước lạnh sẽ được bảo vệ an toàn qua mùa mưa lũ năm nay.
Trọng Hoản