Chiều 31/10, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong ngành công an vừa qua”.“Tuy nhiên, qua báo cáo, tôi thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói và đưa dẫn chứng: Tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %,…Một lần nữa khẳng định “đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị “Bộ trưởng Bộ Công an có thái độ hết sức nghiêm khắc tới anh em thuộc cơ quan điều tra trong lĩnh vực này".
Tranh luận lại ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ngay sau đó, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng, việc cải cách bộ máy Bộ Công an phải gắn với việc nâng cao chất lượng hiệu quả. Đại biểu bày tỏ không đồng tình với đánh giá mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu là "những sai phạm hiện nay là khủng khiếp".
"Nếu nói như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng thì sẽ tác động rất lớn đối với cán bộ điều tra, cán bộ kiểm sát viên trong quá trình điều tra làm rõ tội phạm. Đề nghị đại biểu cung cấp nguồn của số liệu mà đại biểu đã dẫn" đại biểu Vương Ngọc Hà nêu yêu cầu.
Đại biểu Vương Ngọc Hà dẫn số liệu: "Tôi đọc báo cáo của Chính phủ (Báo cáo số 495) về công tác phòng chống tội phạm tại trang 20 xác định rất rõ hiệu quả: Đấu tranh làm giảm 2,7% số vụ án hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá 81,33% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tại trang 21, tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị chưa khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra 87,2%/90%, điều đó minh chứng rõ hơn ở trang 17 của báo cáo này là số tin báo tố giác đã giải quyết được tỷ lệ 87,2%, chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra nhưng việc điều tra khám phá tội phạm lại vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra".
“Tôi rất mong muốn rằng, những nội dung chúng ta đưa ra ở đây vừa mong muốn các các bộ sẽ tiếp tục cải cách hơn nữa, chất lượng công tác điều tra khám phá tội phạm rõ hơn nữa nhưng cũng đồng thời phải là sự động viên với những kết quả đã đạt được, động viên tinh thần của các cán bộ chiến sĩ, bởi vì đây là nhiệm vụ rất đặc biệt và đôi khi còn phải đổ máu”, nữ đại biểu Hà Giang bày tỏ quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)
Tất cả những số liệu này là không đúng
Trong phần tranh luận sáng nay (1/11) tại hội trường, vấn đề con số “sai phạm rất khủng khiếp” lại được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đưa ra. Ông cho biết: Từ hôm qua tới nay, tôi đã liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của cử tri trong lực lượng công an rất nhiều tỉnh. Người ta quan tâm đến phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Tôi đã tìm đọc rất kỹ và lên truyền hình xem lại.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh: “Đại biểu Nhưỡng nhận xét làm anh em rất phân tâm. Đại biểu nói sai phạm rất khủng khiếp, không thụ lý tin báo tố giác tội phạm là 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát là 80%, xử lý tin quá hạn 99,7% và vi phạm tống đạt là 100%.
Đại biểu công an đã kiểm tra lại và tôi khẳng định tất cả những số liệu này là không đúng, không chính xác. Đề nghị đại biểu Nhưỡng phát biểu, nói rõ nếu không anh em lực lượng công an rất phân tâm”.
Ông cho biết: Tôi đọc lại các báo cáo của Viện kiểm sát thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87/ hơn 120.000, số tin báo giải quyết quá hạn là hơn 3.300/hơn 120.100.
“Còn nếu 100% không gửi các quyết định cho Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát sẽ giám sát thế nào với hoạt động của cơ quan điều tra?” đại biểu nêu vấn đề và nhấn mạnh: “Đây là những thông tin mà lực lượng công an rất dậy sóng. Đề nghị đại biểu Nhưỡng nói rõ lại vấn đề này để nhân dân cử tri cả nước, nhất là cử tri trong lực lượng công an được rõ”.
Đã tính toán chi li từng số phần trăm
Tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói: "Tôi rất băn khoăn không biết hôm nay phát biểu vấn đề này thế nào. Nếu đại biểu có trong tay phụ lục báo cáo số 158 đóng dấu mật, tôi không muốn công bố các số liệu và đây tôi dựa trên cơ sở báo cáo này và tất cả các thứ tôi đã ngồi tính toán chi li từng số phần trăm ở đây.
Ở đây là so sánh tổng hợp số vi phạm pháp luật trong công tác tư pháp của các cơ quan hoạt động tư pháp so sánh giữa các cơ quan Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án, Giám định, Công an, Công chứng, Luật sư. Nếu đại biểu muốn biết số liệu thì đề nghị đại biểu xem phụ lục. Nếu chưa có thì tôi tính toán đầy đủ ra, tôi xin gửi lại đại biểu.
Và xin phép trước quốc dân đồng bào, cử tri tôi phát biểu không có bất kỳ định kiến nào và đều dựa trên cơ sở báo cáo chính thức và không bao giờ có bất kỳ số liệu nào ngoài luồng".
Yêu cầu các đại biểu trao đổi để làm rõ về con số chưa thống nhất
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu giơ biển tranh luận lại, nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc rất cụ thể này hai đại biểu sẽ gặp nhau để tranh luận để không mất thời gian của các đại biểu đang chờ chất vấn và tranh luận những vấn đề khác.
Sau giờ nghỉ giải lao, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục giơ biển xin tranh luận lại để làm rõ vấn đề đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu. “Giờ giải lao tôi đã gặp đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hỏi lại số liệu này, và tôi lên Cổng thông tin điện tử Quốc hội chụp lại bài phát biểu thì báo cáo Quốc hội, con số mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra thì không hề có trong phụ lục”.
Theo ông, đại biểu Lưu Bình Nhương đưa ra theo tính toán của mình, phương pháp của đại biểu là trong hơn 120.000 đơn mà cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn chưa thụ lý, trong 87 đơn đó có 82 đơn Công an chưa thụ lý. Đại biểu lấy 82 chia cho 87 bằng 94%. Tiếp theo, xử lý tin quá hạn 3.368 thì lực lượng Công an có 3.360, đại biểu lấy 3.360 chia cho 3.368 bằng 99,7%.
“Tôi thấy rằng cách tính toán này có việc sau: Toàn bộ số liệu không phải là số liệu công bố chính thức của Viện Kiểm sát. Thứ hai là có sự nhầm lẫn trong bội số. Đại biểu phải lấy con số 87 này chia cho hơn 120 nghìn đơn thì mới ra tỷ lệ giải quyết sai như thế nào. So sánh trong 4 cơ quan thì Công an sai nhiều nhất, nhưng trong bài phát biểu không nói thế này, mà nói sai phạm kinh khủng, rất nghiêm trọng, đề nghị Bộ trưởng xử lý. Như thế này người ta hiểu sai mất rồi, tối thấy rất đáng tiếc”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích.
Ông đề nghị đại biểu Quốc hội và cử tri phải hiểu lại vấn đề này, nếu không cử tri cả nước lại thấy Công an sai phạm nhiều quá.
Sau phần phát biểu của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận và cũng có đại biểu khác xin tiếp tục tranh luận về con số mà đại biểu Nhưỡng đã đưa ra và kết luận "sai phạm rất khủng khiếp", song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu những trao đổi về con số nên được trao đổi trực tiếp riêng để dành thời gian cho tranh luận tại nghị trường cho đại biểu khác.
"Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận", Chủ tịch Quốc hội nhận xét và cho rằng: Đây là tín hiệu tốt cho những tranh luận dân chủ, công khai tại nghị trường./.
Nguồn tin: (Chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc