Nhiều điểm mới
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Kỳ họp thứ 6 không chỉ là kỳ họp cuối năm mà còn là kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ nên khối lượng công việc là rất lớn và có nhiều nội dung mới sẽ được trình Quốc hội.Trước hết, về kinh tế - xã hội, ngân sách, thông thường các kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ đánh giá kết quả trong năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo.Nhưng lần này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 như: Phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; tài chính quốc gia; đầu tư công trung hạn; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…Việc xem xét các báo cáo trên không chỉ là nhìn nhận lại xem chúng ta triển khai được đến đâu, kết quả đạt được như thế nào, cái gì chưa đạt được, khả năng đạt được bao nhiêu mà quan trọng hơn là, trên cơ sở này, xác định xem có cần điều chỉnh hay cần thêm những giải pháp nào khác để phấn đấu đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm hay không.Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng, không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn và dài hạn.Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.Về giám sát, điểm mới là kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.Việc giám sát lại như vậy sẽ giúp Quốc hội đánh giá một cách tổng thể việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, việc gì làm được, việc gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao, chỉ rõ trách nhiệm và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện được các nghị quyết của Quốc hội.Điều này cũng thể hiện quan điểm, phương pháp làm việc của Quốc hội, đó là, giám sát đến cùng việc thực hiện những vấn đề mà cử tri và nhân dân đã yêu cầu để tạo được chuyển biến rõ ràng trong thực tế.Một điểm mới nữa liên quan đến chất vấn là kỳ họp này, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của ĐBQH.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước ngay trong ngày khai mạc
Về công tác nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước.Đặc biệt, nhân sự để bầu Chủ tịch Nước lần này là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương nhất trí 100% giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Nước.Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước vì còn liên quan đến nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Nước phải ký trình Quốc hội trong những phiên làm việc tiếp theo.Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do chuyển công tác khác và xem xét, phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới.
Đảm bảo khách quan, công bằng trong đánh giá tín nhiệm
Về việc lấy phiếu tín nhiệm, trong dự kiến chương trình kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Có ý kiến băn khoăn rằng điều này liệu có dẫn đến việc ĐBQH không có đủ cơ sở để đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ hay không?Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ: “tôi không nghĩ như vậy” và cho biết, UBTVQH đã cân nhắc kỹ lưỡng các phương án và thấy rằng, phương án sắp xếp 2 hoạt động quan trọng này như vậy là hợp lý và sẽ bảo đảm được tính khách quan, công bằng trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ.Theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là đối với tất cả các thành viên Chính phủ nhưng chất vấn chỉ một số thành viên Chính phủ có nội dung trong Nghị quyết giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội.Mặt khác, chúng ta phải xác định rất rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm của người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở thực tế điều hành, quản lý trong suốt thời gian gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay.Quốc hội đã yêu cầu người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình gửi đến ĐBQH. Cùng với báo cáo này, trên cơ sở theo dõi, giám sát hoạt động của các thành viên Chính phủ, ý kiến, đánh giá của cử tri và nhân dân… thì ĐBQH sẽ có đủ cơ sở, đủ dữ liệu để đánh giá đúng người, đúng việc, công tâm, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 về vấn đề này.Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt. Nhiều đồng chí khi lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm là rất rõ, vì qua lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu sẽ thấy được thực tế, cá nhân mình, bộ, ngành mình phụ trách đang được ĐBQH, cử tri và nhân dân đánh giá như thế nào và có vấn đề gì phải điều chỉnh, phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như mong muốn, đòi hỏi của người dân.Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng đã có quy định rất rõ ràng. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu có trường hợp nào như vậy thì Quốc hội sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng như quy định của Nghị quyết 85 thôi.
Mong cử tri chủ động theo dõi và giám sát hoạt động của Quốc hội
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trong kỳ họp này có một số nội dung không được phát thanh truyền hình trực tiếp nhưng về số lượng, kỳ họp sẽ có tới 15 phiên họp được phát thanh truyền hình trực tiếp.Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định: Công tác thông tin truyền thông về kỳ họp cũng tiếp tục có những đổi mới theo đúng tinh thần công khai, minh bạch. Văn phòng Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp theo đúng quy chế về công tác thông tin truyền thông của Quốc hội; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nhiều hơn; đồng thời, tạo điều kiện để ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với báo chí nhiều hơn.Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng sẽ có thông cáo báo chí chi tiết về nội dung làm việc hàng ngày của Quốc hội. Thậm chí, có những vấn đề cần thiết, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức họp báo ngay trong kỳ họp chứ không phải chỉ dừng lại ở họp báo trước và sau kỳ họp nữa.Theo Tổng Thư ký Quốc hội, điều này sẽ bảo đảm cung cấp cho cử tri và nhân dân thông tin, quan điểm chính thống của Quốc hội, từ đó, tạo điều kiện để cử tri và nhân dân giám sát hoạt động của Quốc.Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu các bộ trưởng, thành viên các cơ quan của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp cần tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ và chủ động trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí.Với những đổi mới như vậy, Tổng Thư ký Quốc hội tin tưởng, chắc chắn công tác thông tin truyền thông về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sẽ kịp thời, thường xuyên, có chiều sâu hơn.Nhân đây, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị các phóng viên, các cơ quan báo chí thực sự là kênh thông tin hai chiều vừa phản ánh trung thực, khách quan hoạt động của Quốc hội đến với cử tri và nhân dân vừa đem được tiếng nói, mong muốn của cử tri và nhân dân đến với ĐBQH, với Quốc hội để kịp thời nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.Tổng Thư ký Quốc hội mong muốn cử tri sẽ theo dõi sát diễn biến của kỳ họp, nắm chắc bản chất những vấn đề đã được Quốc hội thảo luận, quyết đáp như thế nào. Rút kinh nghiệm trường hợp như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, một số kẻ xấu đã cố tình xuyên tạc, làm méo mó thông tin về hoạt động của Quốc hội từ đó kích động một bộ phận người dân, gây ra những sự việc và hậu quả đáng tiếc. Quốc hội luôn nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cử tri và nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất để có những quyết sách đúng đắn nhất, hợp lòng dân nhất. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội mong cử tri chủ động và cảnh giác trong việc tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, những nguồn tin không thể kiểm chứng được tính xác thực, tìm hiểu rõ ràng và kịp thời đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong các hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát…
Nguồn tin: (Chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc