Hội LHPN xã Bình Lư duy trì tốt hoạt động của nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản

Thứ hai - 30/09/2024 03:43 168 0
Nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản (gọi tắt là VSLA) triển khai tại xã Bình Lư từ năm 2023 đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hình thành thói quen tiết kiệm cho hội viên phụ nữ. Nhiều chị em đã nâng cao tính chủ động về tài chính, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình...
Ảnh 1
Nhờ nguồn vay của nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản chị Lò Thị Phơi đã mua thêm vải về may trang phục bán. Góp phần ổn định tài chính của gia đình
Chị Lò Thị Phơi, 46 tuổi – là thành viên của nhóm Hoa Hồng – nhóm cổ phần tài chính tự quản của Bản Nà Phát, xã Bình Lư. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng đi làm ăn xa, hai con của chị bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, đều đặn hàng tháng chị phải đưa con đi truyền máu. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Để đảm bảo cuộc sống cho các con và gia đình, hàng ngày chị chịu khó trồng trọt, chăn nuôi và may trang phục dân tộc bán lấy tiền. Chị đã vay gần 2 triệu đồng từ nhóm cổ phần tài chính tự quản của phụ nữ bản để mua thêm vải về may trang phục. Chị Phơi chia sẻ: “Khi tham gia vào nhóm, tôi thấy rất hữu ích, vừa tiết kiệm được tiền, lúc cần thiết lại được vay để giải quyết công việc như mua cây giống, con giống, chăm lo cho con cái học hành… Tuy số tiền vay không lớn, nhưng giải quyết được khó khăn khi cần thiết. Đặc biệt là thủ tục vay không rườm rà về mặt giấy tờ cũng như thời gian chờ đợi …”
Ảnh 2
Chị Lò Thị Phơi (áo đỏ) tham gia sinh hoạt đóng cổ phần với nhóm hàng tháng
Cũng giống như chị Phơi, chị Lường Thị Kinh 58 tuổi ở bản Nà Phát, xã Bình Lư nhờ số tiền 8 triệu đồng từ nguồn vay cổ phần tài chính của nhóm đã góp phần ổn định kinh tế gia đình. Nhờ đó, chị đã đầu tư nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi trâu, gà vịt…  Chị Kinh cho biết thêm: “Mỗi tháng 1 lần, chị mong được đi sinh hoạt định kỳ của nhóm Hoa Hồng. Khi tham gia phong trào tiết kiệm, các chị em luôn quan tâm, giúp đỡ nhau những lúc ốm đau, hoạn nạn. Nhờ được tạo điều kiện cho vay vốn, chị Kinh đã đầu tư vào chăn nuôi trồng trọt… để phát triển kinh tế và có điều kiện để nuôi dạy con”.
Ảnh 3
Nhờ số tiền được vay của nhóm mà chị Chị Lường Thị Kinh có vốn đầu tư nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi trâu, gà vịt…
Chị Phơi và chị Kinh là hai trong số rất nhiều hội viên phụ nữ của xã Bình Lư đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn của nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản.
Được biết, nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản của Bản Nà Phát, xã Bình Lư với tên gọi là nhóm Hoa Hồng được thành lập từ tháng 4/2023 với 25 thành viên. Theo đó, nhóm có Ban quản lý và một bộ công cụ hoạt động, mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt một lần. Tại thời điểm thành lập, nhóm được dự án CISDOMA hỗ trợ 1 triệu đồng vào quỹ tương trợ. Chị Lò Thị Dung – Trưởng nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản Hoa Hồng, bản Nà Phát, xã Bình Lư cho biết thêm: “Khi tham gia nhóm, mỗi hội viên sẽ đóng góp cổ phần hàng tháng. Mỗi cổ phần được nhóm quy định có mức giá là 50.000 đồng và mỗi thành viên được mua không quá 10 cổ phần/tháng. Việc mua cổ phần được thực hiện vào ngày 23 hàng tháng khi nhóm tổ chức sinh hoạt.  Số cổ phần được lập sổ sách chi tiết và tuân theo quy chế đề ra. Từ số tiền này, các thành viên tham gia được vay để phát triển kinh tế gia đình. Kết thúc một năm, các nhóm sẽ tổng kết để chia lợi nhuận và cổ phần. Hiện nay, số tiền của nhóm tiết kiệm được đến thời điểm này là gần 32 triệu đồng”.
Nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản (gọi tắt là VSLA) là một nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ, độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại. Dẫu nhiều chị em không biết chữ nhưng vẫn dễ dàng tham gia do mô hình vận hành đơn giản, không phải tính toán nhiều. Đây là hoạt động được Viện tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi (CISDOMA) triển khai ở một số xã trên địa bàn huyện.
Chị Đèo Thị Thương - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Bình Lư cho biết: “Sau khi được tập huấn và hỗ trợ cách vận hành mô hình, hiện nay, Hội LHPN xã đã triển khai Mô hình VSLA với 11 nhóm ở các bản: Nà Khan, Nà Phát, Tân Bình, Hưng Bình, Nà Hum, Nà Đon, Noong Luống, Km2 với 218 thành viên. Mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp chị em có nguồn vốn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Mọi hoạt động của các nhóm cổ phần tài chính đều được công khai, minh bạch; nhờ đó, tránh được các rủi ro của những hình thức góp quỹ, vay vốn nhỏ lẻ, tự phát khác và nhất là tránh được tình trạng vay tín dụng đen. Mặt khác, thông qua hoạt động của các nhóm VSLA, các thành viên tạo dựng được thói quen tiết kiệm, tăng tinh thần đoàn kết và sự tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động của Hội, của bản…”
Ảnh 4
Một buổi sinh hoạt của nhóm tiết kiệm cổ phần tài chính tự quản bản Nà Đon, xã Bình Lư
Đồng hành cùng ban quản lý các nhóm VSLA, Hội LHPN xã cũng luôn hướng dẫn ban quản lý thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thành viên, nhất là những thành viên có hoàn cảnh khó khăn (ốm đau, có người thân đau ốm/tại nạn) để có giải pháp giúp đỡ phù hợp; Rà soát nhu cầu vay vốn, hỗ trợ việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để cùng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chị em trong nhóm.
Có thể nói, thông qua mô hình VSLA - Dự án thúc đẩy và nâng cao năng lực cho phụ nữ đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, rõ nét trong việc nâng cao quyền năng kinh tế, cải thiện cuộc sống và vị thế của người phụ nữ. Giúp người phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội./.
Ngọc Hà

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Ngọc Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down