Chúng tôi đến thăm gia đình CCB Lò Văn Hiền vào lúc anh đang tất bật với việc thu mua thóc và xay xát gạo cho người dân trong bản. Nhìn ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, khu truồng trại được xây dựng kiên cố, cùng khu nhà máy xay xát rộng rãi, được chất đầy thóc, ngô, ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình anh từng là hộ nghèo nhất, nhì của bản.
Qua câu chuyện với anh Hiền, chúng tôi được biết: Năm 1997, anh xuất ngũ trở về địa phương. “Của hồi môn” khi đó của 2 vợ chồng chỉ có mảnh ruộng nhỏ. Rồi những đứa con lần lượt ra đời đã làm cho cái đói, cái nghèo đeo bám gia đình gần chục năm trời. Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, anh Hiền quyết tâm tìm tòi hướng đi để phát triển kinh tế gia đình.
Với quyết tâm đó, hai vợ chồng anh đã không quản mưa nắng, tần tảo sớm hôm, cùng nhau khai phá những nương, đồi khô cằn, mở rộng diện tích ruộng lúa. Đất không phụ công người, những mảnh đất khô cằn, trơ đá sỏi ngày nào, dưới bàn tay cần lao của hai vợ chồng anh đã trở thành những mảnh ruộng màu mỡ, trên 6.000m2 ruộng của gia đình, giờ đây được gieo cấy toàn bộ bằng các giống lúa chất lượng cao như: Nghi hương, Bắc thơm, Hương thơm…đảm bảo đủ nguồn lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi.
Anh Hiền đang chăm sóc đàn lợn của gia đình
Nhận thấy nhiều nhu cầu xay xát thóc, gạo trong dân bản, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trên 40 triệu đồng mua máy xay xát liên hoàn. Ngoài việc xay xát phục vụ nhân dân, anh còn thu mua lượng thóc dư thừa trong dân, xay xát ra gạo thành phẩm để bán ra thị trường. Gia đình anh còn nấu rượu, bán hàng tạp hóa phục vụ dân bản để có tăng thu nhập cho gia đình. Sẵn có các phụ phẩm từ máy xay xát và nấu rượu, mỗi năm gia đình anh nuôi gần 100 con lợn thịt, hàng trăm con gia cầm các loại… Với mô hình kinh tế tổng hợp mỗi năm gia đình anh thu nhập (trừ chi phí) từ 80 - 100 triệu đồng.
Ngoài ra, năm 2004 khi nhà nước có dự án trồng rừng 661, gia đình anh cũng đã mạnh dạn đăng ký trồng trên 2ha. Nhờ được chăm sóc, đốn tỉa thường xuyên nên rừng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Với đường kính mỗi cây trung bình 30-40cm, toàn bộ diện tích rừng này chuẩn bị cho thu hoạch sẽ mang nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Chia sẻ về niềm vui và thành công của mình, CCB Lò Văn Hiền tâm sự: “Bản lĩnh của người lính được dèn luyện trong quân ngũ không cho phép mình lùi bước trước đói nghèo, chính vì vậy mình phải vươn lên làm giàu chính đáng bằng ý chí và nghị lực của người lính, đi đầu trong phát triển kinh tế để cho dân bản học tập và làm theo”
Anh Hiền đang xay xát gạo cho dân bản
Vững về kinh tế, nắm chắc kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. CCB Lò Văn Hiền sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn muốn vươn lên thoát nghèo, bởi thế anh luôn được bà con trong bản quý mến.
Với những nỗ lực vượt khó đi lên, CCB Lò Văn Hiền nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số; được UBND huyện công nhận là CCB gương mẫu giai đoạn 2009 -2014; năm 2013, anh vinh dự là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Huyện uỷ Tam Đường tặng giấy khen…
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền