Tam Đường tăng cưởng quản lý mỏ đất hiếm

Thứ tư - 10/05/2023 22:42 1.863 0
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng người dân ở một số địa phương trong và ngoài huyện lại tiếp tục lén lút vào khai thác, vận chuyển trái phép đất hiếm tại mỏ đất hiếm Đông Pao. Trước tình trạng đó, Tam Đường đã tăng cường các biện pháp để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản này.
Mặc dù đã được Bộ Tài nguyên môi trường cấp phép khai thác khoáng sản cụ thể là đất hiếm, Fluorit và Bairt cho Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu từ cuối tháng 12 năm 2014, nhưng do nhiều yếu tố, đến nay Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO vẫn chưa thể khai thác được mà vẫn chỉ đang quản lý và bảo vệ. Do đây là loại hình khoáng sản có giá trị kinh tế cao nên Công ty mới chỉ cắt cử đội ngũ bảo vệ để quản lý tuyến đường vào khu vực mỏ và tăng cường công tác tuần tra nhưng do lực lượng mỏng, diện tích mỏ khá lớn nên vẫn không thể thể kiểm soát được hết toàn bộ khu vực mỏ. Chính vì thế, thời gian gần đây có một số người dân trong và ngoài địa bàn lợi dụng việc làm nương dẫy và đêm khuya lén lút vào bìa mỏ dùng cuốc, xẻng khai thác trái phép quặng đất hiếm để bán kiếm lời. Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Phó trưởng phòng kinh tế - tổng hợp Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO nói: Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO đã ký 2 quy chế phối hợp với UBND xã Bản Hon và Công an huyện Tam Đường trong việc phối hợp quản lý và bảo vệ mỏ đất hiếm Đông Pao. Bên cạnh đó, Công ty cũng bố trí lực lượng bảo vệ, tuần tra khu vực mỏ và chốt bảo vệ ngay đường vào mỏ. Hàng ngày lực lượng bảo vệ phối hợp với Công an huyện, xã cùng tuần tra trên các thân quặng để bảo vệ mỏ đất hiếm.
 
IMG 1302
Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO phối hợp với xã Bản Hon, Công an huyện Tam Đường tuyên truyền các quy định của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ đất hiếm.
Để quản lý, bảo vệ mỏ đất hiếm, Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO đã có nhiều văn bản phối hợp với chính quyền xã Bản Hon và Công an huyện Tam Đường, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác đất hiếm đến người dân ở xã Bản Hon và các xã lân cận, nhưng tình trạng người dân cố tình vào khai thác quặng trái phép vẫn đang sảy ra. Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Phó trưởng phòng kinh tế - tổng hợp Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO cho biết thêm: Trong thời gian tới nếu tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn, Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng Công an huyện và xã Bản Hon trong công tác tuần tra và tuyên truyền người dân ở địa phương để người dân nắm được các chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên, khoáng sản và phói hợp với Công ty trong quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản đất hiếm.
Để ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng Công an huyện phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương lân cận tổ chức các hoạt động ngăn chặn đối tượng vận chuyển đất hiếm ra khỏi địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến Nhân dân hiểu những quy định của việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép đất hiếm là vi phạm pháp luật. Thượng úy Lê Mạnh Việt - Cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường Công an huyện nói: Từ đầu năm đến nay, các cơ quan đã xử lý một số trường hợp vận chuyển, tàng trữ trái phép quặng đất hiếm. Đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép được xử phạt theo Nghị định 36 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Đối với hành vi khai thác quặng, khoáng sản do Bộ tài nguyên môi trường cấp phép mức xử phạt từ 300 đến 500 triệu đồng, hành vi vận chuyển, tàng trữ được xử phạt theo Nghị định 98 và tùy theo khối lượng sẽ bị xử phạt ở các mức độ khác nhau. Còn đối với tổ chức vi phạm thì mức xử phạt gấp 2 lần so với cá nhân.
IMG 1731
Đại diện Công ty Cổ phấn đất hiếm Lai Châu - VIMICO và cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường Công an huyện kiểm tra hiện trạng mỏ đất hiếm bị người dân vào đào bới khai thác trái phép.
Theo số liệu thống kê của Đội cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường Công an huyện: Từ năm 2020 đến nay, Công an huyện Tam Đường đã phát hiện 3 vụ với 11 trường hợp tham gia vận chuyển, mua bán trái phép quặng đất hiếm, thu giữ gần 8.200 kg quặng đất hiếm, xử phạt vi phạm hành chính gần 16 triệu đồng. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Tam Đường đã phát hiện 2 vụ với 9 trường hợp vận chuyển, tàng trữ trái phép quặng đất hiếm với khối lượng gần 1.445 kg. Đây mới chỉ là con số phát hiện được, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp qua mặt chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Đ/c Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Hiện một số cá nhân trong và ngoài huyện vào khai thác trái phép đất hiếm gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn xã Bản Hon. Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an, tăng cường lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác, xử lý nhiều vụ vi phạm vận chuyển trái phép quặng đất hiếm ra ngoài địa bàn. Có những trường hợp đã tịch thu cả phương tiện và tang vật. Hiện huyện đang tập chung lực lượng, tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đề nghị với tỉnh có những giải pháp cụ thể trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển đất hiếm và có những giải pháp hữu cơ đảm bảo an toàn giữ được mỏ đất hiếm.
IMG 2354
Công ty Cổ phần đất hiếm và lực lượng Công an huyện Tam Đường kiểm tra hiện trạng mỏ đất hiếm

Mặc dù phát hiện và bắt giữ cũng như xử lý nhiều trường hợp vi phạm về khai thác, vận chuyển và mua bán trái phép quặng đất hiếm, nhưng mới chỉ là xử phạt về mặt hành chính chứ chưa đủ sức răn đe khiến người dân vẫn tiếp tục vào khai thác, vận chuyển trái phép gây thất thoát nguồn tài nguyên của Quốc gia và ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương.
Hoàng Cường

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down