Đặc sắc trò chơi dân gian tại lễ hội Putaleng huyện Tam Đường lần thứ nhất năm 2024

Chủ nhật - 24/11/2024 01:28 113 0
Đến Tam Đường vào những ngày lễ, tết hay ngày hội, du khách không chỉ thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, ẩm thực đậm hương vị núi rừng còn được hòa mình vào không khí sôi động của các trò chơi dân gian truyền thống. Ở Tam Đường nơi có 12 dân tộc anh em sinh sống, nhiều trò chơi truyền thống được duy trì và khôi phục đã mang đến không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày hội.
Lễ hội Putaleng huyện Tam Đường lần thứ I, năm 2024 diễn ra từ ngày 22/11 đến ngày 24/11/2024 tại khu sân khấu Hồ Mường Lự, thị trấn Tam Đường. Nhiều hoạt động diễn ra tại lễ hội như: Giải thi đấu dù lượn đường trường Putaleng Việt Nam mở rộng lần thứ III năm 2024; Giải đua bè trên Hồ Mường Lự; Thi ẩm thực cộng đồng; Liên hoan Khèn Mông huyện Tam Đường lần thứ II năm 2024 … và không thể thiếu các trò chơi dân gian (kéo co, ném còn, đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ)… Qua các trò chơi thể hiện sự khéo léo, sức mạnh của các chàng trai, cô gái đồng bào dân tộc.
z6063547683356
Thi môn đẩy gậy tại lễ hội Putaleng huyện Tam Đường lần thứ I, năm 2024
Tại lễ hội Putaleng huyện Tam Đường năm nay, các trò chơi dân gian được huyện lựa chọn, chỉ đạo các địa phương thành lập đội tuyển, tập luyện kỹ lưỡng nhằm đạt thành tích cao nhất. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hảng A Lử - PCT UBND xã Tả Lèng cho biết: “Để tham gia lễ hội Putaleng huyện Tam Đường, đoàn xã Tả Lèng cũng đã thành lập các vận động viên tham gia tất cả các trò chơi dân gian và tổ chức cho các vận động viên tập luyện để đạt giải cao. Qua các trò chơi dân gian giúp Nhân dân rèn luyện sức khỏe, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các đồng bào dân tộc và để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm”
Tung còn (Ném còn) là trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Tam Đường. Để tham gia trò chơi này, phải có quả còn và làm cây nêu. Sân tung còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn. Người chơi đứng đối mặt với nhau 2 bên cây nêu, nếu người chơi ném quả còn lọt qua vòng tròn trên đỉnh cột là thắng cuộc. Do đó, đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm, tinh tế trong tận dụng hướng gió, điều chỉnh hướng ném. Được biết, ném còn còn mang hàm ý cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xây dựng bản làng no ấm. Với ý nghĩa đó, trò chơi là hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ, hội của người Thái.
z6063557630270

Trò chơi kéo co lại đem đến không khí náo nhiệt, sôi động, kịch tính cho cả vận động viên và khán giả. Tiếng vỗ tay cổ vũ, tiếng reo hò của khán giả như tiếp thêm sức mạnh cho các thành viên trong đội kéo co. Kéo co là trò chơi cần có sức khỏe, sự dẻo dai, bền bì và ý chí, quyết tâm. Bởi, đây là môn thi đấu thể hiện tinh thần đoàn kết của các thành viên trong đội. Hồi hộp, gay cấn là cảm giác chung của khán giả khi được chứng kiến phần thi đẩy gậy. Đẩy gậy là trò chơi dân gian quen thuộc với đồng bào các dân tộc. Mỗi vận động viên giữ một đầu gậy, khi có hiệu lệnh của trọng tài, người chơi sẽ dùng sức của mình đẩy gậy về phía đối phương. Đây là trò chơi đòi hỏi sức khỏe tốt, bền bỉ và biết chớp thời cơ mới có cơ hội chiến thắng. Vui nhất vẫn là trò chơi đi cà kheo. Tuy khó và đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe tốt cùng sự khéo léo, nhịp nhàng của cơ thể nhưng với sự cổ vũ hết mình của khán giả, các vận động viên có thể vượt qua thử thách nỗ lực về đích…
Các trò chơi trong ngày hội, lễ tết ngoài thể hiện những nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của mỗi dân tộc còn giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của bà con. Anh Sùng A Thào ở bản Sin Câu, xã Thèn Sin tâm sự: “Các trò chơi dân gian đều mang nét đẹp riêng của từng dân tộc, vì vậy mỗi khi được tham gia mình rất vui, mình có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi kỹ thuật của các đội bạn. Mong các cấp thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian tại các lễ hội để bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn”.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống từ các trò chơi dân gian truyền thống cùng với phát triển bản du lịch cộng đồng, khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch, huyện Tam Đường ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm./.
Ngọc Hà – Trọng Hoản

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Ngọc Hà – Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down