Hệ lụy từ việc tự phát liên kết trồng chuối tại xã Bản Giang

Thứ năm - 15/10/2020 03:30 1.167 0
Mấy năm trở lại đây người nông dân trên địa bàn huyện đã bắt kịp xu hướng liên kết với các đơn vị, cá nhân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân tự phát trong việc liên kết dẫn tới những thiệt hại không nhỏ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc người dân ở 2 bản Tần Phù Nhiêu và Sin Chải của xã Bản Giang tự phát liên kết trồng chuối với thương lái người Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Hơn 1 tháng nay, nhiều hộ dân ở 2 bản Tẩn Phù Nhiêu và Sin Chải của xã Bản Giang đứng ngồi không yên, bởi hàng trăm tấn chuối đã đến kỳ thu hoạch, mà thương lái không đến thu mua. Không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi, một số hộ đã phá bỏ để chuyển sang trồng ngô.
Anh Lù A Nao ở bản Tẩn phù Nhiêu có 2.500m2 đất trước đây trồng ngô, trồng mía, đầu năm 2019, khi thương lái người Trung Quốc sang bàn việc liên kết trồng chuối với gia đình, với hình thức gia đình anh chỉ phải bỏ công trồng và chăm sóc, còn giống và phân bón do thương lái Trung Quốc đầu tư, sản phẩm sẽ được thương lái Trung Quốc thu mua với giá thị trường, sau khi thu hoạch sẽ chia đôi nên anh đã trồng 1.000 gốc chuối, đến nay sau hơn 1 năm khi cây bắt đầu cho thu hoạch, không thấy thương lái sang thu mua, nhìn hàng trăm buồng chuối đến kỳ thu hoạch chín rụng, thất vọng vì không thể bán được anh đành phá bỏ và cho không người dân.
Anh Nao buồn rầu nói với chúng tôi: Trước đây khi trồng xong thương lái người Trung Quốc vẫn thường xuyên liên lạc, tuy nhiên từ khi dịch Covid-19 bùng phát chúng tôi không liên lạc được với người đó nữa, giờ chuối đến kỳ thu hoạch thì không bán được hoặc giá thấp nên tôi đành phá bỏ để trồng cây khác chứ chuối nhiều như thế này ăn thì không ăn được, bán chẳng biết bao giờ mới hết mà chuối không để được lâu, nên đành phá bỏ thôi.

 
IMG 5126
Không có nơi tiêu thụ một số hộ phá bỏ diện tích chuối đang trong thời kỳ thu hoạch để trồng ngô.
 
Còn đối với gia đình anh Trần Văn Páo cũng ở bản Tẩn Phù Nhiêu, trước đây trên 3.000 m ruộng anh trồng lúa, bình quân mỗi vụ thu hoạch được khoảng 40 bao thóc . Khi liên kết trồng chuối với thương lái người Trung Quốc anh hi vọng với hơn 1.000 gốc chuối sẽ đem lại cho gia đình một khoản thu nhập khá hơn so với trồng lúa trước kia, nhưng giờ đây khi thương lái không đến thu mua như đã hẹn, mọi hi vọng đều đã tiêu tan.
Theo anh Châu A Pao, trưởng bản Tẩn Phù Nhiêu cho biết: Việc một số người dân tự liên kết trồng chuối với người Trung Quốc nhưng không thông tin , báo cáo với chính quyền địa phương, đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được khiến một số hộ phải tự phá bỏ, đây là bài học để nhân dân tự nâng cao ý thức trong việc liên doanh, liên kết không có tính bền vững.
Theo báo cáo của UBND xã Bản Giang: Hiện trên địa bàn xã có hơn 2 chục hộ dân ở bản Tẩn Phù Nhiêu và Sin Chải tự phát liên kết với thương lái Trung Quốc trồng khoảng 5ha chuối, đến nay hàng trăm tấn chuối bắt đầu cho thu hoạch thì thương lái Trung Quốc không sang mua dẫn tới không có nơi tiêu thụ, một số hộ phải phá chuối để trồng ngô, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và kinh tế của người dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Lò Văn Cheo - PCT UBND xã Bản Giang nói: Việc một số người dân ở 2 bản Tẩn Phù Nhiêu và Sin Chải tự liên kết với thương lái Trung Quốc để trồng chuối không thông qua chính quyền địa phương dẫn đến chúng tôi cũng không có phương án nào để can thiệp, tuy nhiên trước tình hình đó chúng tôi cũng đang tìm các tổ chức doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện tại chúng tôi cũng đang phối hợp với đơn vị chuyên sản xuất và bao tiêu sản phẩm chuối để liên kết với người dân trong việc trồng và tiêu thụ sản phẩm lâu dài và ổn định cho nhân dân. Chúng tôi cũng khuyến cáo tới nhân dân trên địa bàn xã cần lưu ý không nên tự ý liên kết với các đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân không rõ lai lịch để tránh thiệt hại không đáng có.
Từ sự việc trên cho thấy, nếu người dân còn có tư tưởng sản xuất theo kiểu chạy theo thị trường, tự phát liên kết thì nguy cơ thiệt hại vẫn còn hiện hữu. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, yếu tố quan trọng đầu tiên là việc người dân cần phải tuân theo quy hoạch, đồng thời có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với người dân thì việc đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản giúp người nông dân yên tâm sản xuất mới có tính bền vững. 
Hoàng Cường

Nguồn tin: Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down