Nhằm hỗ trợ người nông dân trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo ra thu nhập bền vững, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình kết nối, hợp tác thương mại giữa công ty, doanh nghiệp và người nông dân. Hiệu quả của chương trình này ngày càng có sức lan tỏa lớn, góp phần tạo ra nguồn cung sản phẩm đa dạng, chất lượng cho người tiêu dùng và nâng cao đời sống cho người nông dân.
Huyện Tam Đường được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu và nguồn nước rất thích hợp với cây chè. Vì vậy, những năm qua, việc phát triển cây chè đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của cây chè, đáp ứng yêu cầu hội nhập, những năm gần đây, C.ty CPĐT Phát triển chè Tam Đường đã ký kết với nhiều hộ gia đình nhằm hỗ trợ người nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè sạch. Bà Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch HĐQT Công ty CP ĐTPT chè Tam Đường, cho biết thêm: “Bản thân Công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm, cũng như truyền thống làm chè rất lâu năm do đó trách nhiệm phát triển vùng nguyên liệu của Công ty luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi xác định rằng đã đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực và các thị trường sẵn có của mình, thì chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con nông dân phát triển cây chè bằng việc bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bón bước đầu hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, Công ty sẽ cử cán bộ phụ trách thường xuyên cùng bà con nông dân tìm ra quy trình phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, qua đó làm tăng năng suất sản lượng chè cho bà con một cách hiệu quả nhất”.
Trong mô hình này, Công ty đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Người dân được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ và được bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, người dân đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây chè, kinh tế của gia đình ông Quàng Văn Thóc, bản Nà Cà, xã Bình Lư đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, do chưa có kiến thức về phát triển chè sạch nên năng suất đem lại chưa cao, thấy được những lợi ích từ việc áp dụng khoa học vào sản xuất, ông đã đồng ý ký kết với Cty Cổ phần ĐTPT Chè Tam Đường để hợp tác sản xuất, ông chia sẻ: “Gia đình tôi thực hiện trồng cây chè từ năm 2018, tuy nhiên những năm qua sản lượng chè, cũng như chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn so với những vùng chè khác trên địa bàn huyện. Hiện nay, chúng tôi được Cty Cổ phần ĐTPT Chè Tam Đường ký kết đầu tư để phát triển vùng chè sạch và bao tiêu sản phẩm nông dân chúng tôi hy vọng cây chè sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho bà con”. Lãnh đạo C.ty Cổ phần ĐTPT chè Tam Đường khảo sát đồi chè bản Nà Phát, xã Bình Lư trước khi hỗ trợ bà con nông dân sản xuất chè sạch.
Nhờ sự hợp tác này, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã được nâng lên rõ rệt. Có được những kết quả đó chính là nhờ vai trò kết nối của Hội Nông dân các cấp để Công ty, Doanh nghiệp và người nông dân cùng hợp tác với nhau. Ông Mùa A Trừ – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, chia sẻ: “Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã thống nhất với Cty Cổ phần ĐTPT Chè Tam Đường về việc hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong phát triển vùng chè sạch. Trong liên kết với Doanh nghiệp, nông dân và chính quyền địa phương sẽ giúp cho việc giám sát thực hiện tốt các chủ trương của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Có thể nói, hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh chế biến, thu mua nông sản giữa người dân với doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tam Đường trong những năm vừa qua đã thu hút sự tham gia của nhiều hộ nông dân, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ đồng thời tạo nguồn thu nhập ổn định cho doanh nghiệp cũng như người nông dân vùng chè, giúp bà con nâng cao thu nhập ổn định đời sống, yên tâm lao động, sản xuất.Cầm Thanh