Giữa nhịp sống hiện đại, ở bản Lao Chải 1, xã Khun Há, tỉnh Lai Châu vẫn vang lên tiếng búa, tiếng đe rộn ràng nơi những lò rèn truyền thống. Không chỉ tạo ra công cụ phục vụ sản xuất, nghề rèn còn là một phần của văn hóa, là niềm tự hào của đồng bào nơi đây. Phóng sự “Những người giữ lửa cho nghề rèn ở Lao Chải 1” sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về những con người vẫn ngày ngày bền bỉ giữ nghề.
Nghề rèn tại Lao Chải 1 nói riêng và xã Khun Há nói chung đã được truyền qua nhiều thế hệ, đó là nét văn hoá đặc sắc trong đời sống của người dân nơi đây. Gia đình anh Cứ A Dơ, bản Lao Chải 1, xã Khun Há là một trong những hộ có truyền thống làm nghề rèn từ lâu đời. Anh Dơ đã bén duyên với nghề từ khi còn là chàng thanh niên 25 tuổi. Các sản phẩm anh làm chủ yếu là dao các loại và các công cụ phục vụ nông nghiệp… Trung bình mỗi năm anh làm được khoảng hơn 200 sản phẩm. Mỗi sản phẩm bán với giá từ 100 – 200 nghìn đồng. Dao của anh Dơ làm ra không phải mang ra chợ bán mà khách hàng cứ tự tìm đến nhà mua. Đặc biệt, tận dụng công nghệ, anh Dơ còn tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng qua mạng. Hay mỗi khi xã có lễ hội sản phẩm của anh lại được mang ra trưng bày, giới thiệu, quảng bá để bà con, du khách gần xa biết và mua dùng. Anh Cứ A Dơ, chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề rèn từ khá lâu, bắt đầu học từ năm 25 tuổi khi được bố truyền dạy. Nghề tuy vất vả nhưng với mong muốn gìn giữ truyền thống của gia đình, của dân tộc, tôi vẫn kiên trì theo đuổi. Nhờ nghề này, gia đình tôi cũng có thêm thu nhập để lo cho con cháu ăn học đầy đủ.”

Nghề rèn truyền thống tại lò rèn của anh Cứ A Dơ, bản Lao Chải 1 – nét văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở Khun Há.
Không chỉ anh Dơ, gia đình ông Cứ A Tủa, bản Lao Chải 1, xã Khun Há cũng giữ lò rèn đỏ lửa quanh năm. Khác với nhiều nơi, ông vẫn giữ phương thức thủ công truyền thống: dùng bễ kéo tay để thổi gió, giữ lửa đủ nóng cho kim loại đỏ rực. Ông Tủa cũng rèn đủ các loại dao và vật dụng để phục vụ cho sinh hoạt gia đình, phục vụ nông nghiệp. Ông Cứ A Tủa, cho hay: “Từ khi lấy vợ, lúc đó hơn 20 tuổi, tôi bắt đầu học nghề rèn từ bố. Từ đó đến nay, tôi luôn tự làm cho gia đình dùng, không phải mất tiền đi mua. Làm nhiều rồi cũng quen nên không thấy vất vả. Người Mông chúng tôi phải giữ gìn nghề truyền thống này, không thể bỏ được.”
Những lò rèn đỏ lửa không chỉ làm nên công cụ sản xuất, mà còn thắp sáng niềm tự hào văn hóa của người Mông ở Lao Chải 1.
Hiện toàn xã Khun Há có khoảng 15 hộ gia đình còn duy trì nghề rèn, phân bố ở nhiều bản. Nghề rèn không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là biểu tượng văn hóa, xuất hiện trong nhiều lễ hội truyền thống, được trưng bày như một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần đồng bào. Trao đổi với chúng tôi, ông Cứ A Chu – Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1, xã Khun Há, cho hay: “Bản Lao Chải 1 chúng tôi xác định việc giữ gìn và phát triển nghề rèn không chỉ là bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, mà còn tạo hướng đi mới cho phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng. Chúng tôi khuyến khích bà con vừa duy trì nghề, vừa kết hợp giới thiệu sản phẩm đến du khách, góp phần nâng cao thu nhập và quảng bá bản sắc văn hóa địa phương”.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kỳ hội nhập, với niềm đam mê và ý thức giữ gìn bản sắc, đồng bào dân tộc Mông xã Khun Há vẫn ngày ngày giữ lửa cho nghề rèn truyền thống. Ngọn lửa ấy không chỉ thắp sáng những lò rèn, mà còn giữ ấm giá trị văn hóa bền vững của đồng bào nơi vùng cao.
Cầm Thanh