Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, đâu đó khắp các bản, làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Mỗi người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số đều trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ðối với người phụ nữ dân tộc Lào tại xã Nà Tăm họ đã tích cực tham gia giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, có việc truyền dạy các điệu múa, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và những lễ hội truyền thống.
Theo đó, Hội LHPN xã luôn thực hiện công tác tuyên truyền quán triệt Nghị quyết, các chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng tới toàn thể các chị em, hội viên. Với gần 100% đồng bào dân tộc Lào sinh sống, đời sống sinh hoạt của bà con có nhiều nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ cho tới ngày nay, trong đó có những làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống điển hình như Lễ hội Bun Vốc Nặm được xã Nà Tăm duy trì và tổ chức thường niên hằng năm. Chị Lò Thị Pỏm – Bản Nà Tăm, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Để giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lào như những làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, những câu hát đối,…chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền và truyền dạy lại cho các con cháu của mình. Đặc biệt những bộ trang phục của chúng tôi vẫn được thường xuyên duy và bảo tồn, do vậy dân tộc Lào chúng tôi vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày”.
Nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào.
Chị Lò Thị Hân – Bản Cóoc Nọoc, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, cho hay: “Cũng là thế hệ trẻ của xã, chúng tôi vẫn đang tích cức gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Điển hình như thường xuyên mặc những trang phục truyền thống của dân tộc trong đời sống sinh hoạt và không thể thiếu trong các lễ hội”.
Người phụ nữ Lào trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, những nét đẹp văn hóa dân tộc Lào, phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn xã Nà Tăm được khôi phục và phát triển phong phú, đa dạng. Xã đã thành lập 8 đội văn nghệ quần chúng, một câu lạc bộ văn hóa dân gian. Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đã đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lào. Trao đổi với chúng tôi, bà Lò Thị Xôm – Chủ tịch Hội LHPN xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, cho biết thêm: “Nhận thức rằng bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng về tiếng nói, trang phục, các phong tục, tập quán… Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững. Do đó, Hội LHPN xã Nà Tăm đã tích cực tuyên truyền cho chị em phụ nữ cùng nhau vun đắp, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể chúng tôi đã thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ; giữ gìn, phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm; truyền dạy cho lớp trẻ điệu múa, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ của dân tộc... Với những việc làm thiết thực đó, phụ nữ xã Nà Tăm đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Tiết mục văn nghệ của chị em, hội viên phụ nữ trong Lễ hội Bun Vốc Nặm xã Nà Tăm.
Bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ xã Nà Tăm đã và đang trở thành nhân tố tích cực giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa của dân tộc. Qua đó, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cầm Thanh