Những gốc Sâm Lai Châu dưới tán rừng ở Tả Lèng.
Với lợi thế tự nhiên, xã Tả Lèng đã tập trung phát triển cây dược liệu trong những năm qua, trong đó cây Sâm Lai Châu được xác định là cây trồng chủ lực. Hiện nhiều hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và nhân giống loại cây này. Thực tế cho thấy, cây Sâm Lai Châu đang trở thành “cây vàng” trên vùng đất Tả Lèng.
Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Linh Long, tại bản Xin Chải, xã Tả Lèng. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai trồng Sâm Lai Châu ở khu vực Giang Ma trước đây. Sau gần 5 năm phát triển, đến nay, công ty đã trồng và ươm giống gần 3 ha Sâm Lai Châu. Ông Nguyễn Quốc Sơn, thành viên Công ty Linh Long, cho biết: “Đơn vị chúng tôi bắt đầu trồng Sâm từ năm 2021. Từ khi hình thành vườn Sâm, chúng tôi tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 7 lao động địa phương với thu nhập ổn định; vào thời vụ trồng, cấy, có thêm khoảng 20 – 30 lao động. Chúng tôi phát triển cây dược liệu này với định hướng lâu dài, vì vậy rất mong chính quyền các cấp quan tâm, có chính sách hỗ trợ về pháp lý để phát triển loại dược liệu quý của Lai Châu.”

Lãnh đạo xã Tả Lèng thăm vườn Sâm của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Linh Long, tại bản Xin Chải.
Nhằm phát triển vùng trồng Sâm theo hướng bền vững, xã Tả Lèng đã chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền thực hiện thí điểm thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu dưới tán rừng; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia mở rộng diện tích trồng ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế xã Tả Lèng, chia sẻ: “Với chức năng tham mưu cho Đảng ủy xã trong phát triển các mô hình nông nghiệp, chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ quy hoạch, xác định những vùng có điều kiện phù hợp để trồng Sâm Lai Châu. Qua đó, mở rộng diện tích, đưa Sâm Lai Châu trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao kinh tế cho địa phương.”
Nhờ phát triển vùng trồng Sâm đã tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Xã Tả Lèng hiện có khoảng 230 ha đất quy hoạch phát triển Sâm Lai Châu dưới tán rừng ở độ cao trên 1.500m. Đến nay, diện tích trồng Sâm trên địa bàn xã đã đạt trên 5 ha, tập trung chủ yếu ở bản Xin Chải. Công tác quy hoạch, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư đang được triển khai quyết liệt. Đồng chí Phong Vĩnh Cường – Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: “Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng Sâm Lai Châu theo hướng bền vững. Chúng tôi đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp để đầu tư, quảng bá, từng bước xây dựng thương hiệu Sâm Lai Châu trở thành sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.”
Toàn cảnh khu trồng Sâm dưới tán rừng tại bản Xin Chải, xã Tả Lèng.
Mặc dù Sâm Lai Châu là cây trồng mang lại giá trị kinh tế rất cao nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt. Vì vậy, thay vì trồng tự phát, rất cần sự định hướng và vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền cùng sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển bền vững. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm đầu tư đúng hướng, cây Sâm Lai Châu sẽ trở thành cây trồng chiến lược, góp phần nâng cao thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho người dân Tả Lèng.
Cầm Thanh