Với đặc thù huyện miền núi có 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Trên cơ sở đó, những năm qua Tam Đường đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách ưu tiên nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực, tác phong, kỹ năng, cơ cấu hợp lý. Từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Là người dân tộc Mông ở bản Sin Câu xã Thèn Sin, những năm qua Chị Thào Thị Nu luôn được các cấp, ngành từ huyện đến xã, nhất là các cấp hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền, vận động, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, trồng trọt chăn nuôi, được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề và được hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó giúp chị và nhân dân trong bản hiểu biết hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Chị Nu chia sẻ: Được Đảng và Nhà nước quan tâm, người dân chúng tôi được đào tạo nghề, hỗ trợ cây con giống cũng như các chính sách đối với đồng bào dân tộc ở khu vực miền núi, được hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Chúng tôi rất phấn khởi, sẽ tích cực phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo.
Là địa phương có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, đời sống kinh tế của người dân còn gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Sơn Bình đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể huyện, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần từ bỏ lối canh tác lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Phạm Văn Định - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình nói: Thực hiện Nghị quyết 52 của Chính phủ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, trong 5 năm thực hiện, xã Sơn Bình đã đạt được một số kết quả, trong đó tập chung vào các nội dung như mạng lưới cơ sở y tế được tăng cường, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thứ 2 là liên quan đến giáo dục, đào tạo, xã cũng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân có con em sau khi tốt nghiệp bậc THCS tiếp tục theo học các trường THPT, các em sau khi tốt nghiệp đã có tỷ lệ cao đi học các trường chuyên nghiệp. Đối với đào tạo nghề và giải quyết việc làm thì địa bàn xã cũng có 1 số doanh nghiệp đã thu hút con em học xong bậc THPT, chuyên nghiệp đã được nhận vào làm việc.
Quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường ở 3 bậc học của huyện luôn đạt từ 92 - 99,6%, đã có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số học lên chuyên nghiệp, cán bộ người dân tộc thiểu số thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề đạt trên 45%. Chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên cả về thể lực, trí lực, kiến thức xã hội và kỹ năng lao động. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này đ/c Vũ Xuân Thịnh - PCT UBND huyện Tam Đường cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết 52 của Chính phủ giai đoạn 2016 -2020, Tam Đường đã tổng kết và định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới huyện quan tâm về lĩnh vực y tế về trí lực chúng tôi quan tâm đến giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc và sử dụng cán bộ quản lý là người dân tộc.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới huyện Tam Đường tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất, các chính sách hỗ trợ, thì người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tính chủ động trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là đối với thế hệ trẻ, để từ đó có một nền tảng bền vững, toàn diện đối với vùng đồng bảo dân tộc thiểu số. Đây là tiền đề quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Hoàng Cường