Tam Đường là huyện miền núi, đa phần là đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ nhận thức còn hạn chế. Ở các xã vùng sâu vùng xa lá ngón khá phổ biến ở ngay cạnh nhà, hoặc trong sản xuất nông nghiệp người dân thường có thói quen để thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong nhà. Điều này vô tình làm cho trẻ em, thậm chí là cả người lớn uống nhầm, hoặc trong những lúc quẫn trí, uống thuốc trừ sâu hoặc chạy lên rừng ăn lá ngón để tự tử. Mới đây vào ngày 20/2/2018, Chị Lý Thị Mẩy 19 tuổi ở bản Sin Chải - xã Giang Ma được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng. Theo chồng chị Mẩy cho biết: Do mới cưới nhau còn trẻ nên anh vẫn ham chơi, đặc biệt trong mấy ngày tết anh thường đi chơi từ sáng đến khuya mới về, vợ nhắc không được nên mới ăn lá ngón để tự tử. Rất may người nhà phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu. Anh Lù A Gôn chồng chị Mẩy chia sẻ: Sau vụ việc này tôi rất ân hận, kể từ nay trở đi tôi sẽ không dám đi ham chơi và để vợ ở nhà một mình như vậy nữa.
Y, Bác sỹ Khoa hồi sức cấp cứu - Trung tâm y tế huyện Tam Đường đang đang chăm sóc bệnh nhân Lù Phương Xa Vào hồi 12 giờ 15 ngày 22/2/2018, Khoa Hồi sức cấp cứu lại tiếp nhận bệnh nhân Lù Phương Xa ở bản Bình Luông - Thị trấn Tam Đường vào viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, hơi thở có mùi thuốc trừ sâu. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng trên, đội ngũ y, bác sỹ trong khoa khẩn trương tiến hành các biện pháp cấp cứu. Qua trao đổi với người nhà bệnh nhân được biết: Mấy ngày nay, cháu rất bình thường, đến gần trưa vẫn nấu cơm và ăn cùng gia đình. Rất may, do phát hiện sớm nên chúng tôi đưa cháu đến cấp cứu ở bệnh viện nên vẫn giữ được mạng sống. Thực tế cho thấy, tình trạng tự tử bằng thuốc trừ sâu và lá ngón ở huyện Tam Đường đang là vấn đề đáng báo động và có chiều hướng gia tăng, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, ảnh hưởng xấu đến tâm lý xã hội. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, năm 2017 toàn huyện có đến 72 ca tự tử, trong đó tự tử bằng lá ngón là 23 ca, còn 49 ca là do thuốc Bảo vệ thực vật. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, khoa hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận lên tới 14 ca tự tử thì có đến 9 ca là do thuốc trừ sâu và 5 ca là do lá ngón. Phần lớn bệnh nhân đều trong độ tuổi lao động từ 18 - 40 tuổi, các bệnh nhân tự tử với rất nhiều lý do, không chỉ do mâu thuẫn và xích mích trong gia đình, tình cảm nam nữ mà còn rất nhiều lý do khác nữa. Những con số trên thực sự đáng lo ngại và cho thấy, chính từ sự thiếu hiểu biết, sự bế tắc trong cuộc sống đã khiến một bộ phận không nhỏ nghĩ quẩn dẫn đến tự tử để giải thoát cuộc đời. Trao đổi với chúng tôi bác sỹ Lù Văn Tình - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm y tế huyện Tam Đường cho biết: Đa phần các ca tự tử vào nhập viện đều có triệu trứng, đau đầu, chóng mặt buồn nôn, chân tay lạnh, nhiều ca uống thuốc Bảo vệ thực vật hơi thở vẫn còn nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Nhưng rất may các bệnh nhân đều được người nhà phát hiện sớm nên vẫn cứu được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo đến bà con không vì những xích mích trong tình cảm, gia đình mà tự hủy hoại bản thân như vậy, mặc dù cứu chữa được nhưng đối với các bệnh nhân tự tử nhất là bằng thuốc Bảo vệ thực vật sẽ bị ảnh hưởng tới tâm lý về sau, và dễ bị nhiễm các bệnh về sau này hoặc có thể dẫn tới suy gan, suy thận.
Việc tự kết liễu cuộc đời của đa phần đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây là một hiện tượng tiêu cực đáng báo động, tạo nên những hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý xã hội miền núi. Đặc biệt, vấn nạn này là một trở ngại đối với sự phát triển của tiến bộ xã hội,rất cần các cơ quan chức năng từ huyện đến xã sớm vào cuộc để tìm ra giải pháp và ngăn chặn kịp thời.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền