Sau Cách mạng Tháng tám, với bản chất phản động và hiếu chiến, thực dân Pháp quy trở lại xâm lược Việt nam. Tháng 11/1945, Pháp chính thức tái chiếm Phong Thổ. Chúng tăng cường củng cố chính quyền tay sai áp bức bóc lột nhân dân… Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, bất chấp sự càn quét khủng bố dã man của kẻ thù, nhân dân các dân tộc trong huyện vẫn liên tục vùng lên kháng chiến. Để đáp ứng yêu cầu cách mạng của huyện, ngày 01/10/1950, Tỉnh ủy Lào Cai quyết định thành Lập Ban cán sự Đảng Châu Phong Thổ (tiền thân của Đảng bộ Tam Đường ngày nay) gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Chương – Tỉnh ủy viên làm Trưởng ban cán sự. Đó là sự kiện chính trị trọng đại mở ra bước ngoặt lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của huyện lên giai đoạn tự giác, trở thành một bộ phận của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược và phong kiến tay sai
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Ban cán sự đảng đã đi sâu, bám sát phong trào, tuyên truyền, giác ngộ, vận động đồng bào xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng. Cũng từ đây phong trào Cách mạng ngày càng phát triển, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, anh dũng trong chiến đấu, phá tan hàng chục đồn bốt, tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng, loại ra khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, giải phóng một vựng đất rộng lớn: Bình Lư, Tam Đường, Mường So, Pa Nậm Cúm.
Cùng với chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954, quân và dân Phong Thổ đã đẩy mạnh cuộc tiến công truy kích, tiêu diệt địch, lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến giải phóng hoàn toàn Phong Thổ vào ngày 29/10/1954. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, mở ra thời kỳ phát triển mới cho phong trào cách mạng của huyện.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh, phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, toàn diện của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Ngày 20/9/2002 một sự kiện có ý nghĩa trọng đại đánh dấu một bước ngoặt mới đối với toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường. Thực hiện nghị định 08 NĐ/CP ngày 14/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ huyện Phong Thổ được chia tách để thành lập 2 huyện Phong Thổ và Tam Đường. Huyện Tam Đường đă có tên trên bản đồ địa giới hành chính. Song song với việc điều chỉnh địa giới hành chính, việc kiện toàn tổ chức bộ máy sớm được tiến hành, thực hiện Quyết định số 572- QĐ/TU, ngày 9/9/2002 của Ban Thường vụ Tinh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Tam Đường được thành lập gồm 32 đồng chí. Ngày 21/9/2002 Huyện ủy lâm thời chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Phát huy truyền thống vẻ vangKể từ khi chia tách và thành lập đến nay, kế thừa và phát huy truyền vẻ vang, kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn sâu sắc của chặng đường xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Tam Đường đã có bước phát triển khá toàn diện: kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng cải thiện và nâng lên.
Kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, tỷ trọng Công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm và phát triển theo hướng hiện đại. Đến nay tỷ trọng Nông - lâm nghiệp 36,2%, công nghiệp - xây dựng 29,1%, dịch vụ 34,7%; thu nhập bình quân đầu người 17,5 triệu đồng/năm, tăng 13,5 triệu đồng so với năm 2005; tổng sản lượng lương thực 39.000 tấn, tăng 17.783 tấn so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 14,88%. Chương trình xây dựng NTM được chú trọng triển khai. Đến hết 2015, Tam Đường sẽ phấn đấu có 4 xã đạt chuẩn NTM
Cơ sở hạ tầng từng bước được quan tâm đầu tư đồng bộ. Đến nay, cơ bản các công trình thuỷ lợi đã đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tưới tiêu cho trên 90% diện tích đất sản xuất, 100% xã, thị trấn có trụ sở làm việc hai tầng, 96,1% bản, 96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% đường liên xã, 87,2% số bản có đường đến bản được cứng hóa đi lại thuận tiện trong 4 mùa...
Năng xuất, sản lượng lúa ngày một tăng, người dân huyện Tam Đường ngày càng ấm no hơn
Sự nghiệp giáo dục phát triển khá toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng; hiện nay toàn huyện có 47 trường, 704 lớp, 15.758 học sinh, tăng 4 trường, 114 lớp, 3.398 học sinh so với năm 2005; chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 92,8%, học sinh chuyển lớp 98,3%, chuyển cấp 99%, toàn huyện có 18 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ giáo viên chuẩn hóa đạt 99,3%. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân luôn được quan tâm, hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, số lượng bác sỹ được nâng lên, có 3,4 bác sỹ/vạn dân, 100% bản có y tá, 7/14 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Công tác Quốc phòng – An ninh có nhiều chuyển biến tích cực, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, đoàn kết các dân tộc.
Hệ thống tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Qua 65 thành lập và phát triển, từ chỗ chỉ có 5 đảng viên của ngày đầu mới thành lập, đến nay Đảng bộ huyện đã có 44 tổ chức cơ sở đảng với 2.273 đảng viên, 100% bản, trường học, trạm y tế có chi bộ; hàng năm có trên 65% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Chất lượng cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên, đến nay có trên 40% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học; đảng viên có trình độ trung cấp lý luận trở lên chiếm 65,5%, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị
Việc thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM gắn với việc thực hiện Nghị Quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên rõ nét
Ghi nhận những thành tích vẻ vang mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường đã đạt được trong 65 năm qua. Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương kháng chiến, Huân chương lao động Hạng nhất, Huân chương lao động hạng Nhì, huân chương lao động hạng Ba, cờ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Những thành quả của ngày hôm nay, sẽ là động lực, cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường vững vàng vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra, đưa huyện Tam Đường thành huyện phát triển khá của tỉnh
một số hình ảnh nổi bật Quân dân huyện Tam Đường làm đường giao thông nông thôn
BCH Đảng bộ huyện Tam Đường khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 ra mắt trước Đại hội
Trung tâm huyện Tam Đường đang khởi sắc từng ngày
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền