Tam Đường hiện có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 37%. Do số lượng đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 1/3 dân số của huyện, trong đó nhiều đồng bào dân tộc Mông không biết tiếng phổ thông nên còn gặp nhiều hạn chế trong việc giao tiếp với các dân tộc khác. Ngoài ra đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn huyện cũng chưa biết tiếng dân tộc chiếm tỷ lệ khá cao, nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong thực hiện công tác dân vận.
Quang cảnh buổi khai giảng lớp học chữ và tiếng Mông năm 2016
Việc học tiếng Mông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tâm lý, tình cảm của đồng bào dân tộc Mông mà còn giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức biết tiếng Mông để giao tiếp và vận dụng trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và vận động bà con dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, biết áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đ/c Sùng Lử Páo - PBT Thường trực huyện ủy phát biểu tại buổi khai giảng.
Trong suốt thời gian 3 tháng các học viên sẽ được giảng viên của Phòng giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD&ĐT tỉnh truyền đạt những kỹ năng về nghe viết, đọc, nói và viết chữ Mông. Kết thúc khóa học cơ bản các học viên có thể hiểu và giao tiếp được với đồng bào dân tộc Mông, đồng thời sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học chữ và tiếng Mông.
Được biết từ năm 2011 đến nay huyện Tam Đường đã mở tổng cộng được 4 lớp học chữ và tiếng Mông cho hơn 300 học viên là cán bộ, công nhân viên chức trong toàn huyện.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền