Có mặt tại xã Sùng Phài, đây là một trong 2 địa phương của huyện có 171 con gia súc bị nhiễm bệnh lở mồm long móng, chúng tôi ghi nhận công tác phòng, chống dịch bệnh ở đây đang được triển khai rất tích cực. Chính quyền xã đã huy động lực lượng địa phương và các thôn bản có dịch phối hợp với Trạm Thú y huyện tiến hành kiểm tra, rà soát, đồng thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng và tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về mức độ nguy hiểm của bệnh lở mồm long móng, đồng thời hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.
Cán bộ Thú y huyện kiểm tra bò bị bệnh
Tại bản Sin Chải, là một trong 4 bản của xã Sùng Phài có dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc với 55 con trâu, bò và dê bị nhiễm. Bà con nhân dân trong bản đang tích cực phối hợp với cán bộ thú y triển khai các biện pháp ngăn chặn. Gia đình chị Phàn Tả Mẩy hiện đang nuôi 5 con trâu và 2 con bò, cách đây khoảng 4 đến 5 ngày gia đình chị phát hiện 2 con bò bỗng nhiên ăn kém hơn ngày thường và chân bước đi khá khó khăn, chị đã báo ngay cho trưởng bản, đồng thời gia đình chị cũng tiến hành nuôi nhốt cách ly tại nhà và điều trị để tránh lây lan sang những con khác. Tâm sự với chúng tôi chị Phàn Tả Mẩy cho biết: Sau khi báo cho bản và được cán bộ thú y huyện xuống kiểm tra và tuyên truyền cho gia đình mình cách chữa trị, mình cứ theo hướng dẫn của cán bộ thú y huyện điều trị cho bò của gia đình, đến nay 2 con bò nhà mình đã đỡ rất nhiều rồi, hiện bò đã ăn được và cũng bắt đầu đi được rồi.
Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Tam Đường, tính đến hết ngày 5/4/2016, trên địa bàn huyện có 8 bản ở 5 xã là Sùng Phài, Thèn Sin, Hồ Thầu, Giang Ma và Bản Hon đã phát hiện gia súc bị mắc bệnh lở mồm, long móng với tổng số 246 con bị nhiễm, trong đó gồm 150 con trâu, 59 con bò, 15 con lợn và 22 con dê. Trước tình hình đó, Trạm đã báo cáo tình hình với ngành chức năng của huyện và tỉnh và tham mưu cho UBND huyện để triển khai các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, Trạm cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cấp 107 lít thuốc sát trùng cho 2 xã là Sùng Phài và Thèn Sin đây là 2 địa bàn có số lượng gia súc bị nhiễm cao để tiến hành phun tiêu độc, khử trùng hạn chế sự tồn lưu và lây lan của vi rút. Ngoài ra Trạm Thú y huyện cũng tăng cường cán bộ xuống các địa phương có dịch, hướng dẫn đội ngũ thú y xã và thú y thôn, bản cùng các hộ dân chăn nuôi, phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại. Đối với gia súc bị bệnh, tiến hành cách ly và sử dụng các chất có vị chua như: A xít chanh, nước măng chua, nước lá chè đun đặc... để chữa trị cho gia súc.
Bà con nhân dân bản Sin Chải - xã Sùng Phài đang phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận - Trưởng trạm thú y huyện Tam Đường cho biết: Trước tình hình diễn biến của bệnh lở mồm long móng trên gia súc xảy ra tại 5 xã trên địa bàn huyện, trạm đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương, tiến hành khoanh vùng để chống dịch. Bên cạnh đó, trạm cũng phối hợp với các xã có dịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân chăn nuôi thực hiện tốt các nguyên tắc là: Không giấu gia súc bị bệnh, không mua bán, giết mổ vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch, khi phát hiện gia súc bị bệnh người chăn nuôi cần nuôi nhốt gia súc tại nhà theo dõi và điều trị, không thả rông gia súc tránh dịch bệnh lây lan ra diện rộng, đồng thời tăng cường cán bộ chuyên môn kiểm tra, rà soát dịch bệnh trên địa bàn để có phương án phòng chống kịp thời.
Với các biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, chữa trị cho đàn gia súc bị nhiễm bệnh, đến nay trong tổng số 246 con gia súc bị mắc bệnh lở mồm, long móng thì đã có 143 con được chữa khỏi, hiện còn 103 con vẫn đang tiếp tục được điều trị và hiện chưa có con gia súc nào bị chết bởi lở mồm, long móng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền