Khoảng 8h sáng ngày 24/6, tại bản Nậm Ún xã Bình Lư đã bị ngập úng và chia cắt tạm thời bởi lượng nước từ dòng Nậm Dê ùn ùn đổ về, ông Lò Văn Thắng - PCT UBND xã Bình Lư cho biết: Tuyến đường qua đập tràn nối từ Nà Đon sang Nậm Ún bị ngập sâu hơn 1m nước khiến nhiều hộ dân bị ngập úng cục bộ, trước tình hình đó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã khẩn trương huy động lực lượng xuống hiện trường, cắt cử người túc trực dọc khu vực, cảnh báo và nghiêm cấm người dân qua lại tránh nguy hiểm đến tính mạng. Sau gần 2 tiếng đồng hồ nước bắt đầu rút, chính quyền xã Bình Lư đã huy động lực lượng và phương tiện sang ứng cứu, tổ chức di chuyển người già và trẻ em sang bên này bản Nà Đon lánh nạn, đồng thời giúp các hộ gia đình vận chuyển đổ đạc, tài sản ra khỏi vùng lũ.
Các phương tiện, máy móc đang san ủi lượng đất đá để giải phóng giao thông
trên Quốc lộ 4D
Là một trong các hộ gia đình ở ngay gần đập tràn bản Nậm Ún nên gia đình anh Vàng Văn Sơn không kịp ứng phó khi lũ về quá nhanh, nước, bùn đất tràn vào nhà cửa khiến toàn bộ vật dụng trong gia đình bị ảnh hưởng, gần 20 bao thóc để ngoài mái hiên bị lũ cuốn phăng, rất may không ảnh hưởng về người. Anh Vàng Văn Sơn cho biết: “Khi lũ về trong gia đình tôi gồm có 4 người, chúng tôi chỉ kịp đưa bố, chị và cháu nhỏ lên cao tránh lũ còn đồ đạc không kịp di chuyển, lúc đó chỉ biết lo cho người chứ không có thời gian để lo cho những đồ dùng trong gia đình nữa nên phần lớn tài sản trong gia đình đều bị ngập nước”.
Lực lượng Quân sự huyện đang hỗ trợ các gia đình nuôi cá nước lạnh
ở xã Sơn Bình bị thiệt hại.
.
Còn đối với xã Sơn Bình, mưa lũ kèm theo sạt lở đất khiến tuyến đường Quốc lộ 4D từ km69 đến km89 bị sạt lở nghiêm trọng, hàng nghìn khối đất đá đổ ập xuống làm giao thông từ Sapa sang Tam Đường bị tê liệt. Sau khi nhận được tin báo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh ngay lập tức huy động các lực lượng và phương tiện tiến hành ứng cứu, đồng thời tổ chức phân luồng và hướng dẫn các phương tiện qua lại, cảnh báo người dân không lưu thông qua khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tiến hành phối hợp với tỉnh Lào Cai hỗ trợ điều tiết giao thông phía trên đỉnh đèo và hỗ trợ phương tiện san ủi để sớm thông tuyến. Ông Mai Khắc Phượng - PGĐ Sở GTVT tỉnh Lai Châu cho biết: “Có thể nói trận mưa lớn mấy hôm nay đã khiến các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ bị hư hỏng đặc biệt là Quốc lộ 4D và 32, để khắc phục chúng tôi đã huy động tất cả các phương tiện máy móc hiện có nhất là phương tiện ở gần nhanh chóng san ủi sớm thông tuyến, riêng Quốc lộ 4D từ Km69 đến Km89 có rất nhiều điểm bị sạt, nếu trời không mưa nữa thì dự kiến chúng tôi sẽ hoàn thành việc thông tuyến vào ngày 25/6”.Mưa lớn khiến lũ kéo về cộng với sạt lở đất đá cũng đã cuốn phăng hàng nghìn m2 nuôi trồng cá nước lạnh của 3 hộ dân dọc 2 bên dòng Nậm Dê. Gia đình bà Đỗ Thị Hương là một trong những hộ nuôi cá nước lạnh tại khu vực bản Chu Va 12 bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ. Theo bà Hương cho biết: “Gia đình từ Lào Cai sang đây nuôi cá nước lạnh đã được 8 năm nay, hiện gia đình có gần 3.000m
2 ao nuôi cá tầm và cá hồi với hàng chục tấn cá thịt chuẩn bị xuất ra thị trường cùng với số lượng lớn cá giống bị lũ cuốn trôi và vùi lấp lấp các bể nuôi”.
Cảnh tan hoang khi lũ tràn về tại 1 hộ gia đình nuôi cá nước lạnh
tại xã Sơn Bình
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tam Đường cho biết: Đến hết ngày 24/6 trên địa bàn huyện có 6/14 xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trong đó, mưa lũ làm ngập úng trên 42,5 ha lúa mùa, ngô và dong diềng ở 3 xã Bình Lư, Nà Tăm và Bản Bo; cuốn trôi 2,5 ha ao cá của người dân ở xã Bình Lư, vùi lấp hoàn toàn khoảng 3ha diện tích nuôi cá nước lạnh ở xã Sơn Bình làm thiệt hại 137 tấn cá thịt và trên 373.650 con cá giống, 1 xe ô tô bị cuốn trôi, 1 ngôi nhà bị hư hỏng, 6 cột điện tại xã Bản Bo bị gãy đổ cùng nhiều tài sản khác. Mưa lớn cũng đã làm sạt lở trên 50.000m3 đất đá trên các tuyến đường liên xã và Quốc lộ 4D nối Lai Châu với Lào Cai chia cắt hoàn toàn hệ thống giao thông. Nghiêm trọng hơn là có 1 người bị mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Hiện nay huyện Tam Đường đang tiếp tục chỉ đạo các xã có dòng Nậm Dê chảy qua và phối hợp với huyện Tân Uyên cùng các lực lượng vẫn đang tiến hành tìm kiếm người bị nạn. Ông Trần Văn Sứng - PCT UBND huyện Tam Đường cho biết: “Do ảnh hưởng của mưa lũ và sạt lở đất nên huyện Tam Đường bị ảnh hưởng nặng nề nhất là về tài sản của Nhân dân và hạ tầng giao thông, hiện chúng tôi đang tiến hành chỉ đạo các lực lượng và phương tiện máy móc tìm kiếm người bị nạn và hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng nhất là đối với các xã như Sơn Bình, Khun Há, Bình Lư và Bản Hon”. Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, các đ/c: Giàng Páo Mỷ, Uỷ viên TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đ/c Lê Trọng Quảng, PCT UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện và các sở, ban, ngành đã đến kiểm tra thực tế hiện trường và thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn và chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng khắc phục hậu quả, thường trực nêu cao cảnh giác, chủ động ứng phó với tình hình thời tiết bất thường trong những ngày tiếp theo. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Hiện tại, mưa vẫn chưa dứt nên công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người bị nạn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương, các lực lượng và các đơn vị cũng như phương tiện máy móc vẫn đang hoạt động tích cực để đảm bảo khắc phục sớm nhất những hậu quả do thiên tai gây ra.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền