Độc đáo lễ cúng rừng của người Lự

Thứ ba - 19/09/2017 04:22 932 0
Ở Tam Đường, đồng bào Lự chiếm 5,3 % dân số. Dân tộc Lự thường cư trú dọc theo các con sông, khe suối. Từ xa xưa, với đời sống định canh định cư, đồng bào Lự đã biết canh tác lúa nước rất sớm, nên đời sống vật chất của họ tương đối ổn định. Chính vì vậy mà vốn văn hóa tinh thần của dân tộc Lự cũng phong phú đa dạng, vẫn còn giữ được những nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc dân tộc, đặc sắc và tiêu biểu nhất là lễ cúng rừng (Căm Lung Mường)
Lễ cúng rừng của người Lự ở xã Bản Hon thường được tổ chức một năm 2 lần: Lần thứ nhất vào ngày 3/3 khi lúa sắp trổ đòng; lần thứ 2 là ngày 6/6 khi mùa gặt xong.
Để tham gia vào lễ cúng rừng, mỗi gia đình cử 1 thành viên là nam giới. Những gia đình có tang hoặc người đàn ông có vợ đang mang thai, ở cữ không được phép tham gia. Trước hôm diễn ra lễ cúng rừng, thầy cúng và đám thanh niên đến khu rừng cấm của bản dọn dẹp lá, cành cây để chuẩn bị cho buổi lễ diễn ra vào ngày hôm sau
Lễ cúng rừng của người Lự mang ý nghĩa cầu mong các vị thần che chở cho bản, người dân được ấm no, mùa màng bội thu, vật nuôi sinh sôi, phát triển. Lễ vật được chuẩn bị từ hôm trước bao gồm: 1 con lợn đen, 3 con gà, 3 bó hương, 1 cuốn vải đen, rượu, xôi, giấy bạc và 16 bộ chén (16 bộ chén được xếp chồng lên nhau tượng trưng cho âm dương, trời đất).


lễ cúng rừng của người Lự được phục dựng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường

Sáng hôm sau, khi lễ vật đã được bày biện xong, giờ tốt đến, thầy cúng đốt hương khấn mời các vị thần linh cai quản trời đất, sông suối, cây cỏ, các ông tổ các dòng họ người Lự sinh sống trong bản như: Vàng, Lò, Tao… đang ngự tại khu rừng thiêng của bản về nhận mặt và lễ vật mà bà con dâng lên. Sau đó thầy cúng cho phép những người tham gia buổi lễ cắt tiết những con vật trên để làm lễ chín. Mâm lễ vật được đặt trên 1 chiếc bàn để thầy cúng khấn mời các vị thần linh, ông tổ các dòng họ hưởng lễ và phù hộ cho bà con sức khỏe, gia đình hòa thuận, việc chăn nuôi thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Kết thúc buổi lễ cúng rừng, người dân làm cơm, cùng ăn với nhau và kiêng không đi làm, không cuốc xới đất trong 3 ngày vì cho rằng như vậy là không may mắn.
Sau lễ cúng rừng, người dân trong bản tổ chức vui hội, mọi người gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, sản xuất. Trai gái, người lớn hay trẻ nhỏ trổ tài thông qua chơi các trò chơi dân gian truyền thống như: đẩy gậy, kéo co, đánh cầu lông gà… Cùng với đó thông qua tiếng sáo, tiếng hát nhắn nhủ của thế hệ đi trước dành cho lớp trẻ hôm nay, phải biết chung tay xây dựng bản ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tác giả: Ngọc Hà

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down