Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà còn ở cả khu vực thành thị. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vẫn còn tồn tại quan niệm "trọng nam, khinh nữ". Từ việc buộc phải có con trai để nối dõi tông đường và thờ phụng tổ tiên, thì trong nhiều gia đình vẫn còn tồn tại tư tưởng sinh con trai để có chỗ dựa lúc về già, duy trì tài sản và tiếp tục sự nghiệp của gia đình.
Nhờ thực hiện đùng chính sách dân số nhiều hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế và chăm sóc con tốt hơn.
Chính tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ” để lại nhiều hệ lụy. Ngoài việc đánh giá thấp vai trò của phụ nữ đã dẫn đến hành động dùng các biện pháp nhằm lựa chọn giới tính thai nhi của các gia đình. Dẫn đến, tình trạng nam giới sẽ bị dư thừa so với nữ giới ở cùng một thế hệ. Việc thiếu hụt phụ nữ sẽ tạo ra những hậu quả không nhỏ về mặt xã hội như: Gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, tảo hôn; gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Với 12 dân tộc cùng sinh sống, nhiều phong tục tập quán khác nhau, đặc biệt là vẫn còn nhiều quan niệm lạc hậu, dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 và sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Tam Đường vẫn đang ở mức cao. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện, năm 2017, tỷ số giới tính đã vượt ở mức 111 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu tỷ số này không được khống chế mà vẫn tiếp tục gia tăng với tốc độ trên sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đến cơ cấu giới tính, tác động nặng nề khi họ bước vào độ tuổi lập gia đình. Dự tính đến năm 2030 thì số lượng nam giới sẽ dư thừa chiếm khoảng 10% tổng số nữ giới và thậm chí còn cao hơn.
Bản Thèn Pả thuộc xã Tả Lèng, có 60 hộ đều là đồng bào dân tộc Mông. Từ năm 2015 đến nay, toàn bản không có hộ sinh con thứ 3. Mặc dù trong bản có những hộ sinh con một bề, nhưng được cán bộ dân số tuyên truyền nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của việc sinh nhiều con thì bản còn đưa việc sinh con thứ 3 trở lên vào hương ước của bản lấy đó làm tiêu chí bình xét gia đình văn hóa và hưởng thụ các chính sách của nhà nước. Trao đổi với chúng tôi ông Giàng A Dũng - Trưởng bản Thèn Pả - xã Tả Lèng cho biết: “Là xã vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức còn hạn chế nhất là trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, những năm trở về trước trong bản còn có rất nhiều hộ sinh con thứ 3 trở lên. Do đó chúng tôi chủ động phối hợp với Cán bộ chuyên trách dân số xã tăng cường công tác vận động, đồng thời đề ra hương ước nếu hộ gia đình nào sinh nhiều con sẽ không được bình xét là hộ gia đình văn hóa và hưởng thụ các chính sách của nhà nước, do đó 3 năm trở lại đây người dân trong bản đã có ý thức hơn đối với việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và không có trường hợp nào sinh con thứ 3, từ đó đời sống của người dân cũng được nâng cao hơn trước rất nhiều”.
Cán bộ chuyên trách Dân số xã Tả Lèng và trưởng bản Thèn Pả tích cực xuống từng hộ gia đình tuyên truyền vận động
thực hiện tốt chính sách dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Xã Tả Lèng có 821 hộ, gần 4.400 khẩu, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1.079 người. Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống nên một số hộ dân mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ trong thời gian dài, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình sinh con thứ 3, tảo hôn... Nắm được tâm lý của bà con, cán bộ dân số và y tế cơ sở đã rà soát đối tượng, phối hợp với trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, phổ biến các mô hình can thiệp dân số. Xã cũng thành lập Ban chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ; các tổ truyền thông tại 100% số bản, duy trì giao ban mỗi tháng một lần để triển khai mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Để đạt được kết quả này Anh Giàng A Páo - Cán bộ chuyên trách dân số xã Tả Lèng cho rằng: “Với nhận thức còn hạn chế của người dân nên chúng tôi thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến từng thôn, bản, từng hộ gia đình nhất là những hộ sinh nhiều con, chỉ ra cho họ thấy những khó khăn trong việc sinh đẻ nhiều và lấy những dẫn chứng cụ thể vì thế mà người dân đã hiểu và có nhiều chuyển biến trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”.
Theo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số như can thiệp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đang được triển khai ở một số xã trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các buổi truyền thông còn đưa vào sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THPT, Dân tộc nội trú; các cơ sở có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ tảo hôn cao; đồng thời duy trì triển khai các mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Do đó tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã từng bước được giảm dần, điển hình như năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 14,6% giảm xuống còn 14.1% vào năm 2018; tỷ số giới tính khi sinh cũng giảm từ 111 xuống còn 109 bé trai/100 bé gái. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này bà Nguyễn Thị Thu Hòa - GĐ TT DS - KHHGĐ huyện cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã tăng cường công tác truyền thông nhưng tình trạng sinh con thứ 3, đặc biệt là nhiều hộ gia đình có 3 - 4 con nhưng một bề vẫn cố sinh cho bằng được con trai, do vậy mà tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, đặc biệt là tỷ lệ giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái cũng đang chênh lệch khá lớn. Để hạn chế tình trạng trên những năm tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh cộng tác truyền thông, đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chủ động thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản đến các vùng có mức sinh cao, không lựa chọn giới tính khi sinh, thực hiện tốt Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ chính sách cho phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu sổ sinh con đúng chính sách dân số”.
Sinh nhiều con, cuộc sống khó khăn, con cái nheo nhóc.
Để tiếp tục hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên cũng như giảm tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, ngoài những giải pháp của các cơ quan chức năng nhất thiết mỗi dân tộc, gia đình, dòng họ cần nâng cao hơn nữa ý thức, đồng thời từng bước xóa bỏ tư tưởng "Trọng nam, khinh nữ" để từng bước nâng cao chất lượng dân số cũng như đời sống kinh tế - xã hội.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền