Được Chi hội phụ nữ bản tuyên truyền vận động tham gia mô hình “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, chị Lò Thị Viên – bản Nà Khan, xã Bình Lư đã tích cực hưởng ứng. Cứ thành thói quen mỗi lần đi chợ, chị lại bớt chi tiêu từ 5.000đ đến 10.000đ để bỏ vào lợn đất của gia đình. Với phương châm “Tích tiểu thành đại” mà mỗi năm gia đình chị đã có một khoản tiền để chi tiêu cho gia đình. Chị Viên tâm sự: “Nhờ phong trào này, mà cứ mỗi dịp cuối năm mổ lợn gia đình tôi lại có một khoản tiền để mua quần áo cho các con; mua giống, phân bón phục vụ cho sản xuất…”
Cũng như chị Viên, chị Sin Thị Hằng, bản Nà Phát, xã Bình Lư đã tham gia mô hình “nuôi lợn đất tiết kiệm” do chi hội phụ nữ bản phát động được 3 năm. Mỗi năm mổ lợn, số tiền tiết kiệm được trên 2 triệu đồng chị đều dành sắm sửa đồ dùng trong gia đình và đầu tư cho sản xuất. Chị Hằng cho biết: “Nuôi lợn đất tiết kiệm” là cách tiết kiệm rất hay và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ số tiền tiết kiệm được đã giúp tôi có thêm nguồn vốn làm ăn mà đời sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn trước”.
Có thể nói phong trào “nuôi lợn đất tiết kiệm” do Hội LHPN xã Bình Lư phát động tại 2 Nà Khan, Nà Phát đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và thu hút đông đảo hội viên tham gia, đặc biệt là hội viên phụ nữ nghèo. Hình thức thực hiện là “nuôi lợn đất” tại nhà. Mỗi ngày, các chị em sẽ tiết kiệm tiền chi tiêu, sinh hoạt để “nuôi lợn”, số tiền không bắt buộc mà tùy vào thuộc điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình. Cứ mỗi năm vào dịp cuối năm, Hội phụ nữ xã lại tổ chức mổ lợn tập thể để tạo tinh thần thi đua tiết kiệm giữa các hội viên với nhau. Số tiền tiết kiệm này thường được các chị em sử dụng mua sắm vật dụng trong gia đình, lo cho con em học hành, đầu tư phát triển kinh tế gia đình...
Nói về mô hình “Nuôi lợn đất”, bà Đèo Thị Thương - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lư, cho biết: Những năm đầu triển khai mô hình, chị em cũng không mấy mặn mà lắm, nên chỉ có hơn 10 chị em tham gia, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đến nay đã có 68 hội viên của 2 bản tham gia với số tiền tiết kiệm mỗi năm trên 75 triệu đồng… Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và từng bước nhân rộng mô hình này ra các bản khác trong xã ”
Có thể nói, việc “Nuôi lợn đất tiết kiệm” của hội viên phụ nữ tại 2 bản Nà Khan, Nà Phát xã Bình Lư là hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, không chỉ nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về ý thức và thói quen thực hành tiết kiệm trong đời sống hàng ngày, từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm trong mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội… mà còn giúp chị em có nguồn vốn nhất định để đầu tư vào sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo
Tác giả: Trọng Hoản
Nguồn tin: Đài TT-TH Tam Đường
Ý kiến bạn đọc