Những bất cập khi không có trường bán trú

Thứ tư - 26/09/2018 06:13 1.025 0
Năm học mới đã bắt đầu, cùng với sự háo hức của con trẻ khi được gặp lại thầy, cô, bạn bè, thì nhiều bậc phụ huynh và các gia đình có con em đang theo học ở trường Tiểu học Thị Trấn Tam Đường lại lo lắng bởi việc phải đưa đón con đến trường đến lớp, bởi trường không có bán trú mà các bé lại phải học 2 buổi/ngày. Do đó, hàng ngày phải đưa đi, đón về tới 4 lượt gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của Cán bộ và người dân trên địa bàn.
Như thường lệ, cứ đến 10h30 phút sáng và 16h30 chiều hàng ngày, gia đình anh Lê Văn Khánh lại mải mê cắt cử người luân phiên đi đón con, bởi cả 2 vợ chồng anh chị từ dưới xuôi lên công tác tại tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Tam Đường, mọi việc 2 anh chị đều phải tự lo vì không có sự giúp đỡ của anh em, người thân. Anh Khánh cho biết: “Mặc dù trường học cách trường chưa đầy 1km nhưng cháu còn nhỏ, anh chị không dám mua xe đạp hay để cháu đi bộ bởi không yên tâm vì từ trường về đến nhà phải đi qua rất nhiều đoạn đường với nhiều ngã ba, mật độ phương tiện giao thông vào giờ đó thường lớn, nên hàng ngày hai vợ chồng phải phân công nhau đều đặn đưa đón cháu 4 lần cả đi và về. Mỗi lần chuẩn bị đến giờ đón con, mặc dù công việc có bận đến cũng đành phải gác lại vội vàng đi đón con. Do đó, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc ở cơ quan”.
Cũng như gia đình anh Khánh, 2 vợ chồng chị Lưu Thị Phương công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện cũng vất vả không kém, nhiều khi cả 2 vợ chồng phải đi công tác cơ sở không có thời gian đưa đón con đành phải nhờ hàng xóm hoặc anh chị em lên giúp. Vì vậy mà đôi lúc cũng không yên tâm. Chị Phương nói: “Chúng tôi mong muốn nhà trường bố trí được học bán trú để các cháu ăn nghỉ tại trường giúp các bậc phụ huynh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chứ cứ như thế này thực sự là khá vất vả”.
Đang đứng ở cổng trường đợi đến giờ đón cháu ông Nguyễn Thái Cơ ở bản Trung tâm, thị trấn Tam Đường chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có cháu theo học tại đây, bố mẹ cháu đều là cán bộ công chức nên chúng tôi chỉ giúp được đưa đón cháu ngày 4 lần, nhiều khi cũng thấy bất tiện; đối với nhiều gia đình không có người thân ở trên này thì cũng không biết thế nào được. Chẳng hạn như bố mẹ các cháu công tác tại xã thì đến 11h30 mới được nghỉ, chiều thì 17h mới hết giờ làm việc nếu phải về đón con đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến công việc của nhà nước, mà không về kịp đón con lại để các cháu chờ đợi, lang thang ngoài cổng trường tôi cũng thấy tội nghiệp cho các cháu và bố mẹ các cháu”.
Còn ông Ông Lò Văn Khớm một người dân ở bản Nậm Tường - Thị trấn Tam Đường cũng bức xúc cho biết: “Không chỉ riêng cán bộ, công chức nhà nước mới phải đi làm mà nhân dân chúng tôi cũng phải làm chứ, nhiều lúc đến giờ đón con, đón cháu mà đang dở công việc hoặc đang đi đâu cũng vội vàng về để đi đón con, đón cháu, đôi lúc thấy bất cập quá, chỉ mong sao nhà nước xem xét tạo điều kiện để các cháu được học bán trú, để việc học hành được tốt hơn cũng như đỡ bất tiện cho phụ huynh’
Theo quan sát tại cổng trường chúng tôi chứng kiến không ít cảnh nhiều em học sinh có bố mẹ là cán bộ, công nhân viên chức, hoặc đang công tác ở xa chưa về đón kịp nên các em đành lang thang trong sân trường hoặc đứng trước cổng trường chờ bố mẹ. Nhiều em chờ cả tiếng đồng hồ mới thấy bố mẹ đến đón. Bố mẹ thì sốt ruột, lo lắng, con trẻ thì mỏi mệt, đây đang là thực trạng chung của rất nhiều gia đình.



Nhiều cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và
người dân phải bỏ dở công việc để đi đón con

Năm học 2018 - 2019, Trường tiểu học thị trấn có 32 lớp với 895 học sinh, trong đó chỉ có 33 em ở 2 bản Thác Tình và Tế Suối Ngài được hưởng chế độ bán trú còn lại 862 em phải đi về 4 lượt trong ngày, trong đó có khoảng 20 - 25% số học sinh là con em cán bộ, công nhân viên chức. Theo thầy giáo Vũ Văn Đáng - Hiệu trường Tiểu học Thị trấn cho biết: “Mỗi năm số lượng học sinh lại tăng lên, nhưng cơ sở vật chất thì thiếu thốn, đến lớp học còn thiếu và chật chội chứ chưa nói đến chỗ ăn, chỗ nghỉ cho học sinh. Mặc dù nhà trường rất muốn xây dựng trường bán trú để buổi trưa học sinh được ăn nghỉ tại trường, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của trường chưa thể đáp ứng được yêu cầu như: bếp thì không đảm bảo, không có phòng ăn, phòng ngủ vì vậy mà nhà trường không thể tổ chức được cho học sinh ở lại bán trú vào giờ trưa, để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh học sinh. Để xây dựng được trường bán trú chúng tôi cũng mong muốn các cấp đầu tư xây dựng nơi ăn, nghỉ cho học sinh. Bên cạnh đó, khuôn viên nhà trường hiện giờ cũng rất chật hẹp, năm học này cũng tăng gần 80 em nên cơ sở vật chất không đáp ứng được, riêng năm học 2018 - 2019 này trường cũng mới được bàn giao tạm thời thêm gần chục phòng học của Trung tâm giáo dục thường xuyên cũ, chúng tôi mới chỉ sắp xếp được 2 phòng nghỉ, 1 phòng ăn và 1 gian bếp cho 33 em học sinh ở bản Thác Tình. Do đó, việc để 100% học sinh ăn nghỉ tại trường là không thể thực hiện được nếu không có sự quan tâm đầu tư của nhà nước”.
Việc mong mỏi xây dựng bán trú ở trường Tiểu học Thị trấn của đông đảo phụ huynh học sinh có con em đang theo học tại đây là chính đáng. Bởi nếu không có trường bán trú, mỗi ngày chỉ tính riêng việc đưa đón con đi học cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc. Mặc dù chưa có thống kê chính thức của các cơ quan chức năng về việc ảnh hưởng tới chất lượng, công việc cũng như thiệt hại về kinh tế khi phải bỏ dở công việc để đi đón con trong giờ hành chính. Nhưng thực tế cho thấy sự ảnh hưởng này đang diễn ra hàng ngày trước mắt chúng ta.

Tác giả: Hoàng Cường

Nguồn tin: Đài TT-TH Tam Đường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down