Từ lâu, chiếc khèn bè đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của một số dân tộc ở vùng Tây Bắc nói chung và đồng bào dân tộc Lào ở Nà Tăm nói riêng. Những làn điệu mượt mà, say đắm của chiếc khèn bè đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. Để gìn giữ và phát huy giá trị của Khèn bè đã hơn 40 năm nay anh Lò Văn Hầu ở bản Nà Vàn xã Nà Tăm luôn gắn trọn đời mình để chế tác, thể hiện những bài khèn của dân tộc mình với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị của nhạc cụ dân tộc.
Ở tuổi 54, anh Lò Văn Hầu vẫn giữ nguyên niềm đam mê với chiếc Khèn bè và những làn điệu từ thuở thiếu thời. Sinh ra trong một gia đình có bố là người rất mê Khèn bè và các làn điệu khèn, chính từ niềm đam mê của bố đã nuôi lòng đam mê cho anh đến nay. Tâm sự với chúng tôi anh Lò Văn Hầu cho biết: Mới hơn 10 tuổi khi nghe bố thổi khèn, tiếng khèn réo dắt, lúc trầm, lúc bổng đã khiến mình mê đắm từ lúc nào không hay. Từ đó bố tôi đã truyền dạy lại những điệu khèn của dân tộc mình cho tôi. Ngoài ra tôi còn theo chú ruột học chế tác khèn với mong muốn không chỉ biết thổi khèn mà còn biết chế tạo ra những chiếc khèn để sử dụng. Với niềm đam mê đó mà đến giờ anh là một trong một số nghệ nhân còn sót lại của dân tộc Lào ở xã Nà Tăm biết thổi và chế tác Khèn bè. Anh Lò Văn Hầu (người thổi khèn) đang biểu diễn Khèn bè trong ngày hội Đại đoàn kết của bản.
Không chỉ đam mê với việc chế tác và những điệu khèn dân tộc, anh còn truyền dạy cho thế hệ trẻ và những người mê thổi cũng như chế tác khèn với mong muốn sẽ gìn giữ và phát huy được giá trị và bản sắc của dân tộc mình cho con cháu, đồng thời để nhiều người biết đến cây Khèn và những điệu khèn của dân tộc mình… Chính từ niềm đam mê đó đã giúp anh và tiếng Khèn của anh đạt được một số giải cao tại các Hội thi văn hóa, văn nghệ dân tộc từ huyện đến tỉnh, đồng thời giúp nhiều người biết đến tiếng Khèn và chiếc Khèn bè của dân tộc mình. Anh Lò Văn Hầu phấn khởi chia sẻ với chúng tôi. Mỗi lần có hội thi văn hóa, văn nghệ mình đều được xã cử đi tham dự, qua các hội thi như vậy thì mình cũng đã đạt được 1 giải nhì của huyện và 1 giải 3 cấp tỉnh… Anh Hầu (người mặc áo kẻ) đang hướng dẫn người dân cách chế tác chiếc Khèn bè.
Thực hiện Nghị quyết trung ương 5 khóa VI của Đảng về "Giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", Đảng bộ, chính quyền xã đã chỉ đạo Ban văn hoá xã có các giải pháp tích cực hiệu quả để vực dậy và khôi phục vốn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Trong đó, có được những người như anh Hầu thì tiếng Khèn bè sẽ tiếp tục được gìn giữ và tỏa sáng trong tâm hồn lớp trẻ để giá trị truyền thống của dân tộc mãi được lưu giữ và phát huy. Nói về anh Lò Văn Hầu, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho biết: Đối với người Lào ở xã Nà Tăm, ngoài các nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng thì các làn điệu khèn và chiếc Khèn bè là một trong những bản sắc văn hóa đặc sắc của nhân dân. Mỗi khi nhà có đám cưới, đám hỏi, lễ Tết hay tổ chức các ngày hội thì anh Lò Văn Hầu đều rất tích cực tham gia, hiện nay trên địa bàn xã có khá nhiều người biết thổi Khèn nhưng để chế tác được chiếc Khèn bè thì có lẽ chỉ còn 1 đến 2 người trong đó có anh Hầu. Để phát huy giá trị của chiếc Khèn bè, những năm tới chúng tôi sẽ tạo điều kiện để anh Hầu có thể phát huy được hết giá trị của cây Khèn và khuyến khích anh Hầu truyền dạy những làn điệu Khèn và chế tác Khèn bè cho thế hệ trẻ để giữ mãi được tiếng Khèn bè.
Chia tay Nà Tăm trong những ngày đầu đông, tiếng Khèn bè réo dắt, lúc trầm lúc bổng còn lưu luyến mãi trong tâm trí như muốn níu chân du khách khiến tôi thầm nhủ sẽ trở lại đây trong một ngày không xa. Hoàng Cường