Những người giữ lửa cho nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông

Thứ hai - 17/05/2021 20:57 982 0
Nhiều năm về trước, nghề rèn tại nhiều địa phương của huyện Tam Đường vẫn còn phát triển, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng những đồ rèn đúc thô sơ ngày càng ít đi nên nghề rèn ngày càng mai một dần. Tuy nhiên, tại xã Tả Lèng, huyện Tam Đường vẫn còn những lò rèn hàng ngày đỏ lửa, đó chính là ngọn lửa tâm huyết với nghề truyền thống của dân tộc mình.
Nghề rèn thủ công truyền thống của đồng bào Mông đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của bàn tay người thợ nhưng trên cả là sự kiên trì, sáng tạo, cần mẫn của người làm nghề để cho ra lò những sản phẩm tinh xảo không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng, mang đậm bản sắc dân tộc của người Mông. Gia đình ông Giàng A Chánh, bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường là một trong những gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề rèn. Từ nhu cầu trong sản xuất hằng ngày và đời sống tinh thần mà nghề rèn xuất hiện.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Cháng cho biết: “Không biết nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết khi ông nội tôi sinh ra đã có nghề này và truyền lại cho bố, các anh và giờ là đến tôi. Trước đây, người Mông chủ yếu canh tác, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên công cụ lao động rất quan trọng. Nghề rèn là một nghề vất vả, khó nhọc nhưng nếu ai có sức khỏe và có lòng đam mê với nghề rèn truyền thống thì tôi cũng sẵn sàng chỉ bảo và truyền lại nghề cho họ. Bởi đối với tôi, việc bảo tồn và phát triển nghề rèn truyền thống chính là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông. Đồng thời, đó cũng là một nghề để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

 
rr1
Ông Giàng A Cháng – Bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường là một trong số ít những người còn theo nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Còn với ông Lý A Tàng thì lò rèn của ông chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và một bộ phận bà con trong bản. Cứ đầu mùa làm nương rẫy là lò rèn của gia đình ông Tàng đỏ lửa cả ngày. Nhìn mồ hôi chảy từng dòng trên người thợ rèn, chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả nhưng cũng đầy tự hào khi ông hoàn thành thêm một sản phẩm ưng ý.
Ông Tàng, chia sẻ: “Ngày trước, khi tôi còn thanh niên đã theo bác lên rừng đốt củi để làm nghề rèn, thấy cái hay và giá trị của nghề này nên tôi đã quyết định theo nó đến tận bây giờ. Làm nghề này tuy vất vả, nhưng đổi lại là tôi nhận được sự yêu quý của bà con dân bản. Vì có đồ dùng sản xuất gì hỏng, họ lại đem đến cho tôi sửa, niềm vui của họ chính là động lực để tôi theo nghề này suốt bao năm nay”.
Thực tế, nghề rèn ở Tả Lèng hiện nay đang dần bị mai một, rất ít lò rèn còn đỏ lửa. Vì thế, những người còn tâm huyết với nghề rèn truyền thống của người dân tộc Mông như ông Cháng và ông Tàng thật sự là đáng quý. Do vậy, tỉnh, huyện cần có chính sách bảo tồn, khôi phục nghề rèn truyền thống của người dân tộc Mông và đó cũng là cách để giữ gìn nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Cầm Thanh

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down