Là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, xác định nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo, Nà Tăm đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Các hộ dân tích cực chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng chè.
Trước đây đời sống kinh tế gia đình chị Lò Thị Kẻo ở bản Nà Hiềng còn gặp khá nhiều khó khăn bởi nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Nhưng từ năm 2015, dưới sự tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, đồng thời nhận thấy người dân xã Bản Bo lân cận có thu nhập cao từ cây chè nên gia đình chị đã chuyển đổi những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng chè. Đến nay, gia đình chị có hơn 1 ha chè đã cho thu hoạch, trung bình hàng năm đem lại thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng, chị rất phấn khởi bởi đây là nguồn thu nhập lớn của gia đình. Chia sẻ với chúng tôi chị Kẻo cho biết: Trước đây gia đình mình còn khó khăn, thu nhập chủ yếu từ cây lúa, cây ngô nhưng không đáng là bao, từ lúc được Nhà nước, xã tuyên truyền, vận động trồng chè, đến nay thu nhập hàng tháng của gia đình mình ổn định và khá hơn trước rất nhiều, vì thế mà đời sống cũng không còn khó khăn như trước nữa.
Nhờ trồng chè nhiều hộ gia đình trong xã Nà Tăm đã có thu nhập thường xuyên, ổn định.
Còn đối với mô hình trồng cây chè xen cây ăn quả của gia đình anh Lò Văn Xôm ở bản Nà Tăm đã đem lại thu nhập khá cao. Được biết: Trước đây cuộc sống của gia đình anh Xôm rất khó khăn, mặc dù có đất đai, nhưng không biết sản xuất, gieo trồng cây gì nên thậm chí nhiều lúc còn thiếu ăn. Sau khi được xã vận động chuyển đổi một số diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng chè, gia đình anh đã tích cực làm theo, hàng năm gia đình anh đều trồng mới thêm các diện tích chè đến nay gia đình anh có khoảng 5 ha chè, bình quân đem lại nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Đầu năm 2022, dưới sự vận động của xã, gia đình anh còn trồng thêm 1 ha cây Chanh leo tím xen chè, mặc dù mới đưa vào trồng hơn 1 năm nay nhưng nhờ chăm sóc tốt, nên diện tích cây Chanh leo phát triển khá tốt, sai quả đem lại sản lượng 15 tấn quả thu nhập đạt khoảng 120 triệu đồng. Từ đó đến nay cuộc sống của gia đình anh ổn định hơn trước, không còn lo thiếu ăn, anh cũng định mở rộng thêm diện tích Chanh leo để nâng cao thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh Lò Văn Xôm chia sẻ: Trước gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn thiếu ăn. Từ khi xã tuyên truyền, vận động gia đình tôi đã trồng chè rồi trồng thêm Chanh leo. Từ những cây trồng này đã đem lại cho gia đình cuộc sống khá hơn trước rất nhiều, thu nhập ổn định hơn so với những năm trước. Gia đình chỉ biết cám ơn xã và sẽ cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa trồng thêm chè và Chanh leo để phát triển kinh tế gia đình.
Lãnh đạo huyện thăm mô hình trồng Chanh leo xen chè của gia đình anh Lò Văn Xôm ở bản Nà Tăm
Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, Nà Tăm đã xây dựng kế hoạch cụ thể: đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; đồng thời vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng dong giềng, Mắc ca… nên trong những năm qua, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi rõ rệt, hiện toàn xã có gần 209 ha diện tích chè, 5,4 ha Chuối, 25 ha diện tích dong giềng, gần 115 ha diện tích cây Mắc ca xen chè… cùng nhiều loại cây trồng khác. Ngoài ra để mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương, Nà Tăm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/năm, tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 36,01% năm 2020 xuống còn gần 23,7%. Trao đổi với chúng tôi ông Lò Văn Thum - PCT UBND xã Nà Tăm nói: Đối với xã Nà Tăm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao, để giảm nghèo và cận nghèo UBND xã đã chỉ đạo các bộ phận chuyện môn rà soát các hộ có khả năng thoát nghèo, đồng thời tập chung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập để thoát nghèo, đồng thời xã cũng vận động người dân không để đất trống, tập chung thâm canh, tăng vụ chè, ngô, Chanh leo tăng giá giá trị sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, bởi vì tiêu chí hộ nghèo cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng Nông thôn mới.
Từ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mà đời sống của nhân dân ngày được nâng lên. Thời gian tới, để nâng cao thu nhập, Nà Tăm sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, ngoài tuyên truyền đến nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Nà Tăm còn khuyến khích nhân dân mở rộng ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, đẩy mạnh phát triển các nghề mang lại thu nhập ổn định cho người lao động góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hoàng Cường