Trong những năm qua, ngành giáo dục huyện Tam Đường đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ giáo dục cho các học sinh vùng cao, đặc biệt là mô hình nuôi ăn bán trú. Đây là một trong giải pháp tích cực giúp giảm bớt khó khăn cho học sinh dân tộc thiểu số, nơi mà điều kiện kinh tế và địa lý là rào cản đối với việc học tập của học sinh.
Chương trình nuôi ăn bán trú ở Tam Đường không chỉ hỗ trợ học sinh về mặt dinh dưỡng mà còn giúp cải thiện kết quả học tập và giảm thiểu tình trạng bỏ học. Các em được đảm bảo bữa ăn đầy đủ, chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp nâng cao sức khỏe và thể trạng, từ đó có thể tập trung học tập tốt hơn. Em Tòng Văn Khánh - Lớp 5A2 - trường PT DTBT Tiểu học Bản Bo nói: Con ở bán trú một ngày được ăn ba bữa, bữa nào cũng được ăn no, đầy đủ. Buổi sáng được ăn bánh mì hoặc sữa, trưa thì được ăn thịt, đậu hoặc giò, tối bữa cũng thay đổi thịt gà và các thức ăn khác, em ở bán trú chăn chiếu sạch sẽ, tắm rửa sạch sẽ để người khỏe mạnh.
Ở bán trú các em học sinh được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
Để đảm bảo cho học sinh về học bán trú, các trường học trên địa bàn huyện đã được đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất, phòng học khang trang, phòng ở bán trú và phòng nấu ăn riêng biệt. Nhiều trường còn trang bị thư viện và phòng máy tính, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với công nghệ và tri thức hiện đại, rút ngắn khoảng cách với học sinh vùng thuận lợi. Các bữa ăn cho học sinh với thực đơn phong phú, thường xuyên thay đổi giúp các em đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, cùng với đó các nhà trường cũng quan tâm tới chỗ học tập và nghỉ ngơi của các em, hướng dẫn các em vệ sinh cơ bản và rèn luyện kỹ năng tự lập.
Ngoài học tập trên lớp, ở bán trú các em được thầy, cô giáo hướng dẫn nhiều kỹ năng sống.
Cô giáo Lê Thị Thùy Nhung - Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Sơn Bình cho biết: Nhà trường xây dựng kế hoach, tổ chức nuôi dưỡng, hướng dẫn học tập cho các em ở bán trú, tổ chức quy trình khép kín, nuôi ăn bán trú bắt đầu từ sáng thứ 2 cho đến hết thứ 6 với định mức ngày ăn 3 bữa. Ngoài ra trường cũng xây dựng kế hoạch học tập trải nghiệm cho các em học sinh ở bán trú, giáo dục kỹ năng sống cho các em, hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, các kỹ năng gấp chăn màn, kỹ năng giao tiếp, tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi, thể dục thể thao. Bên cạnh đó, hướng dẫn các em trồng rau xanh và biết quý giá trị của lao động và tăng thêm khẩu phần ăn cho các em, đảm bảo sạch để đảm bảo sức khỏe cho các em.
Năm học 2024 - 2024 Toàn huyện có 36 trường và 1 Trung tâm GDNN – GDTX, với 612 lớp, trên 17.250 học sinh; trong đó có gần 2200 học sinh bán trú. Để duy trì và phát triển hiệu quả mô hình nuôi ăn bán trú, Tam Đường tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức và các nguồn tài trợ khác, nhằm đảm bảo các nguồn lực cần thiết, chú trọng đào tạo giáo viên về kỹ năng quản lý và chăm sóc học sinh nội trú, tạo môi trường giáo dục toàn diện và lý tưởng hơn.
Ở bán trú các em học được nhiều kỹ năng sống để tự phục vụ bản thân.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Trong thời gian qua, tổ chức nuôi ăn bán trú giúp rất nhiều đơn vị trường và phụ huynh học sinh giảm bớt những khó khăn, học sinh được ở lại trường không phải đi về vì có những địa bàn xa các em không thể đi được về trong ngày, khi có chế độ bán trú tỷ lệ chuyên cần cao dẫn đến chất lượng cũng cao hơn. Các em ở bán trú được sinh hoạt tập thể cũng đã dèn luyện cho các em những kỹ năng sống, từ đó kỹ năng sống của các em cũng tốt hơn, các trường được nhà nước quan tâm đầu tư chỗ ăn, chỗ ở, chỗ nghỉ đảm bảo cho các em ở trường an toàn, sinh hoạt, sức khỏe, dinh dưỡng cho các cháu phát triển toàn diện
Cơ sở vật chất ngủ nghỉ đảm bảo giúp phụ huynh và các em yên tâm học tập
Việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình. Các nhà trường bán trú đều thường xuyên tổ chức vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học; theo dõi sức khỏe của học sinh, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho các em. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, các trường bán trú trên địa bàn huyện Tam Đường đang từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Hoàng Cường