Hành trình theo con chữ

Thứ hai - 28/08/2023 05:09 694 0
Mỗi tối, lớp học vùng cao tại điểm trường bản Pho Xin Chải, xã Tả Lèng lại vang lên tiếng đọc bài ê a của các bà, các chị, các mẹ. Lớp học đặc biệt này chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông không biết viết, không biết đọc thông viết thạo tiếng phổ thông. Nhưng với sự cần cù, chịu khó và tinh thần quyết tâm theo con chữ, họ đã và đang nỗ lực học trong hành trình từng bước nâng cao trình độ dân trí, làm kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.
Vượt qua những cung đường ngoằn nghèo chúng tôi cũng đến được điểm trường mầm non bản Pho Xin Chải - xã Tả Lèng. Xa xa đã nghe rộn giã tiếng đánh vần, đọc chữ vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng. Vào lớp học chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi đa số học viên là chị em phụ nữ ở độ tuổi từ 30 - 40. Các mẹ, các chị ngồi chăm chú, say sưa nghe cô giáo giảng bài, những đôi bàn tay chai sạn hàng ngày chỉ quen cầm cuốc, tra ngô nay cầm bút tô từng nét chữ, xòe ra làm các phép tính đơn giản, mặc dù vẫn còn gượng gạo nhưng trong ánh mắt sáng mỗi chị đều lên niềm vui khi đã tự viết, đọc được tên của chính mình.
Cũng như nhiều học viên khác trong lớp, hàng ngày chị Vàng Thị Cu ở bản Thèn Pả đều cố gắng hoàn thành hết công việc nhà, ruộng nương để tối đến đi học con chữ. Qua câu chuyện của chị chúng tôi được biết, khi còn nhỏ, do nhà nghèo nên không được đi học, lớn lên chị lại là lao động chính trong gia đình, phải ở nhà làm nương giúp bố mẹ, nuôi các em nên việc đến trường học cái chữ là ước mơ còn dang dở. Từ khi tham gia lớp học được cô giáo tận tình chỉ dạy đến nay chị đã biết đọc, biết viết. Chị Vàng Thị Cu chia sẻ: Năm ngoái ở bản mình cũng mở lớp học nhưng mình bị ốm nên không tham gia được, năm nay bản Pho Xin Chải có mở lớp học mình lên đăng ký. Từ khi đi học cô giáo dạy thì mình cũng đã biết ít rồi, mặc dù không biết nhiều nhưng mình cũng đã biết tiếng phổ thông, cảm ơn cô giáo rất nhiều.
IMG 7531
Nhờ có sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của giáo viên nên rất nhanh các học viên đã biết đọc, biết viết:
Còn với chị Hảng Thị Phê ở bản Pho Lao Chải rất hào hứng và chăm chỉ tham gia học lớp xóa mù chữ, dù bận rộn với ruộng nương nhưng chị chưa nghỉ buổi học nào bởi với chị được đi học là khoảng thời gian rất bổ ích. Đến lớp chị được cô giáo dạy đọc, viết, còn dạy tính toán. Được học chữ chị cảm thấy tự tin, tối đến đọc sách cùng con, vui nhất khi cần làm giấy tờ thay vì điểm dấu vấn tay chị đã biết ký tên mình; biết tính toán tiền giúp cho việc mua bán được thuận lợi hơn. Chị Hảng Thị Phê nói: Ban ngày thì mình đi làm ruộng, làm nương, buổi tối được cô giáo đến tận bản dạy cho chị em ở bản ở xã, giờ mình cũng đã đọc được, viết được, mình rất cảm ơn thầy cô giáo và xã đã tạo điều kiện cho chúng tôi được đi học.
Là giáo viên có thâm niên công tác tại xã Tả Lèng cô giáo Ngô Lệ Thủy nắm rõ tình hình của người dân nới đây, đặc biệt là phần lớn phụ nữ dân tộc ngại va chạm nên vừa không biết tiếng phổ thông cũng như không biết đọc, biết viết. Để giúp học viên tham gia lớp đầy đủ và hăng hái trong học tập, ngoài dạy học bằng tiếng phổ thông cô còn giao tiếp và dạy học bằng chính tiếng của đồng bào. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn cơ bản các học viên đều đã biết đọc, biết viết. Cô Ngô Lệ Thúy - Giáo viên Trường PTDTBT tiểu học Tả Lèng cho biết: Đối với bản thân tôi cũng đang công tác ở xã Tả Lèng ăn hiểu được văn hóa của đồng bào dân tộc mông nên khi đứng lớp các học viên chưa hiểu thì tôi cũng trao đổi trực tiếp bằng tiếng dân tộc, giúp học viên càng ngày tiếp thu nhanh hơn
Được biết, từ năm 2022 đến nay để xóa mù cho người dân nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa Tam Đường đã mở được 17 lớp với 356 học viên. Riêng lớp học xóa mù tại bản Pho Xin Chải - xã Tả Lèng được mở từ 6/3/2023 với 26 học viên, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Để các học viên mạnh dạn, tự tin đến lớp Phòng GD&ĐT huyện đã lựa chọn những giáo viên đứng lớp có kinh nghiệm giảng dạy, am hiểu về phong tục tập quán của bà con để gần gũi, động viên học viên đến lớp. Nhờ có các lớp xóa mù đã giúp bà con biết đọc, viết, biết giao tiếp tiếng phổ thông, nâng cao trình độ dân trí góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Ông Đầu Thanh Tùng - Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện nói: Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của các cấp thì chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn luyện. Qua việc mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện đã giúp cho bà con nâng cao trình độ dân trí không chỉ riêng của xã Tả Lèng mà của huyện Tam Đường nói chung. Từ các lớp xóa mù chữ người dân đã nâng cao được dân trí và góp phần đảm bảo về an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã cũng như là của huyện. 
Việc mở các lớp học xóa mù chữ thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp người dân tự tin hơn trong cuộc sống, không bị kẻ xấu lợi dụng do không biết đọc, không biết viết. Từ việc biết đọc, biết viết và biết cả tiếng phổ thông đồng bào các dân tộc còn nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của dân với Đảng, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.   
Hoàng Cường

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down