Đọc sách là một trong những phương pháp tiếp nhận tri thức hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng của sách, trong những năm qua, trường THCS Giang Ma chú trọng công tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường thông qua nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, hình thành văn hóa đọc cho học sinh, qua việc đọc sách đã giúp các em lĩnh hội thêm nhiều kiến thức văn hóa - xã hội, góp phần hình thành và phát triển trí tuệ, nhân cách và lan tỏa văn hóa đọc, tạo “cầu nối” tri thức cho học sinh.
Hàng tuần, học sinh Trường THCS Giang Ma đều có tiết đọc sách tại thư viện. Để tiết đọc sách này phát huy hiệu quả, các em được giáo viên chủ nhiệm và nhân viên thư viện hướng dẫn chọn sách. Bên cạnh đó, giáo viên còn khuyến khích các em viết cảm nhận về nội dung cuốn sách đã đọc, góp phần thôi thúc các em tích cực đọc, rèn kỹ năng viết và thể hiện suy nghĩ.
Đọc sách đã và đang là thói quen của nhiều em học sinh trường THCS Giang Ma.
Là học sinh lớp 8A1 của trường THCS Giang Ma, ngoài việc học tập ở trên lớp em Sùng Thị Rùa còn tìm hiểu thêm kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên xuống thư viện nhà trường để đọc sách. Theo em, đọc sách giúp cho em biết thêm được nhiều kiến thức không chỉ phục vụ cho học tập mà còn phục vụ cho cuộc sống. Em Sùng Thị Rùa chia sẻ: Để hiểu bài hơn cũng như nắm chắc được kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống em thường tranh thủ thời gian xuống thư viện để đọc sách và tìm hiểu. Em thấy sách có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng, thiết thực cho cuộc sống của chúng ta. Đối với học sinh chúng em sách là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ. Em mong các bạn hãy rèn luyện cho mình thói quen đọc sách để đưa ước mơ của mình bay cao, bay xa thành hiện thực trong cuộc sống.
Còn đối với em Ma Thị Linh học sinh lớp 8A3 cho biết: Những kiến thức trong sách vô cùng quý giá đối với học sinh, thông qua sách đã giúp em biết được nhiều điều hơn về cuộc sống mà qua những câu chuyện trong sách đã giúp bản thân em tự hình thành thói quen đọc sách và nhân cách con người. Em Ma Thị Linh nói: Em thấy sách là nguồn cảm hứng vô tận không thể thiếu, sách cho chúng ta bài học, cho chúng ta tri thức, thông qua việc đọc sách và những kiến thức từ trong sách mang lại em mong các bạn sẽ đọc sách nhiều hơn để chúng ta có nhiều tri thức để vươn tới ước mơ của mình và trở thành một người có ích cho xã hội.
Mỗi khi nghỉ giải lao hoặc thời gian rảnh rỗi các em học sinh trường THCS Giang Ma lại cùng nhau đọc sách.
Để hình thành thói quen đọc sách không chỉ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mà cả các em học sinh. Những năm gần đây, Trường THCS Giang Ma đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập. Trường còn xây dựng và duy trì thói quen đọc sách cho học sinh với thư viện đạt chuẩn, có trên 3.000 đầu sách các loại chủ yếu tập chung vào các thể loại như: Bản sắc văn hóa các dân tộc, lịch sử, nghệ thuật… và các sách tham khảo được bố trí khoa học, hợp lý giúp cán bộ giáo viên, học sinh dễ tìm. Ngoài sự hỗ trợ về sách báo của Phòng giáo dục, hàng năm Nhà trường cũng bố trí nguồn ngân sách đầu tư, đồng thời huy động từ các nguồn xã hội hóa để tăng thêm số lượng đầu sách tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên và học sinh tìm hiểu, mở rộng kiến thức áp dụng vào học tập và cuộc sống. Trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, khơi dậy tình yêu sách cho học sinh như thi kể chuyện, vẽ tranh, giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích và tổ chức đọc sách tập trung cho học sinh trong toàn trường. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức Ngày hội đọc sách với nhiều nội dung phong phú, thu hút đông đảo các em tham gia. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên - Hiệu trưởng trường THCS Giang Ma nói: Để lan tỏa phong trào đọc sách trong Nhà trường, hàng năm trường đều tổ chức ngày hội văn hóa đọc, đồng thời đầu tư nhiều loại sách tham khảo, tài liệu, kiến thức dành cho thầy, cô giáo và các em học sinh, đồng thời khuyến khích các em chịu khó tìm tòi, học hỏi không chỉ kiến thức trong học tập mà còn cả kiến thức về cuộc sống tạo tiền đề hình thành thói quen cho các em trong việc đọc sách.
Việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi học sinh nói riêng và của mỗi người nói chung góp phần hình thành và lan tỏa văn hóa đọc trong môi trường giáo dục.
Hoàng Cường