Anh Hiểu luân phiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ ba - 20/09/2016 04:00 1.241 0
Anh Vũ Xuân Hiểu, sinh năm 1970 ở bản Tòng Pẳn, xã Bình Lư luôn thực hiện phương châm luân phiên cây, con giống trong sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Theo chân anh Thảo - trưởng bản Tòng Pẳn, xã Bình Lư, chúng tôi đến thăm gia đình anh Vũ xuân Hiểu khi hai vợ chồng anh đang chuẩn bị làm miến. Nghỉ tay rót chén trà mời khách, anh Hiểu tâm sự với chúng tôi: “Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lai Châu, trước kia với hơn 1 ha đất ruộng vườn nhưng gia đình anh chỉ đủ thóc, gạo ăn quanh năm, không có dư thừa. Vì vậy, cuộc sống của gia đình anh gặp khó khăn, đất đai không được cải tạo, sản phẩm chủ yếu dựa vào thời tiết nên năng suất cây trồng không cao”. Sau nhiều đếm trăn trở anh bàn với vợ làm thế nào để biến đồng đất ấy, cây trồng ấy thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao giúp gia đình thoát nghèo. Anh Hiểu đã cùng với vợ quyết tâm học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, gieo trồng và tìm những cách làm mới và áp dụng vào phát triển kinh tế của gia đình mình.


 
Trên cùng một diện tích đất anh Hiểu đã luân phiên trồng các loại cây để tránh sâu bệnh và cho năng xuất cao 
 
Dong riềng là loại cây người dân nơi đây trồng từ nhiều năm nay nhưng nếu trồng nhiều năm trên cùng một diện tích đất sẽ có nhiều sâu bệnh và năng suất không cao nên anh muốn thay đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây này. Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do các cấp tổ chức và áp dụng vào gieo trồng của gia đình mình. Anh đã thực hiện trồng cây dong luân phiên với cây ngô trên cùng một diện tích đất, nhờ vậy cây dong không những không bị sâu mà còn cho năng suất sản lượng cao. Hiện nay, với gần 5.000 m2 cây dong riềng gia đình anh thu được trên 3 tấn bột khô, cùng với mua thêm bột ngoài thì một năm gia đình anh bán ra thị trường khoảng 5 tấn miến.
Cùng với trồng cây dong riềng gia đình anh Hiểu còn dành 4.000m2 đất vườn để trồng 2 vụ ngô lai/năm, mỗi năm thu được gần 2 tấn ngô để phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để việc chăn nuôi gia súc không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bản cũng như môi trường sống, gia đình anh đã xây dựng hệ thống chuồng nuôi, hố chứa chất thải kiên cố và dùng để chăm bón cho cây trồng. Ngoài ra, anh còn trồng cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi 6 con trâu thương phẩm. Từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi sau khi đã trừ chi phí gia đình anh cũng thu được trên 100 triệu đồng, có điều kiện cho con cái học tập.


 
Vợ chồng anh Hiểu đang chăm sóc đàn trâu của gia đình
 
Chị Nguyễn Thị Trút – người dân bản Tòng Pẳn, xã Bình Lư cho biết: “ Anh Hiểu còn luôn cởi mở, giúp đỡ nhiều gia đình trong bản về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để mọi người có phương pháp tốt nhất phát triển kinh tế cùng vươn lên làm giàu”
Anh Hiểu là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt những kiến thức học được để áp dụng vào kinh tế gia đình, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh được công nhận là một trong những hộ sản suất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã Bình Lư./.

Tác giả: Ngọc Hà

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down