Anh Nguyễn Ngọc Bích (34 tuổi)– bản Nậm Tường, Thị Trấn tam Đường đã vướng vào vòng lao lý khi đang là một giáo viên. Với bản án 2 năm tù về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, anh cứ ngỡ cuộc đời thế là hết. Nhưng sau khi mãn hạn tù vào tháng 7 năm 2013, anh được cấp ủy chính quyền địa phương động viên, tạo điều kiện cho anh vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi phát triển kinh tế; ngoài ra, anh còn phát huy tay nghề thợ xây của mình để có thêm thu nhập cho gia đình. Hiện nay mỗi tháng anh thu nhập 6 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá, sắm sửa được nhiều tiện nghi sinh hoạt và nuôi con cái ăn học
Anh Bích tâm sự: “Những ngày đầu mới CHXAPT về tôi cảm thấy lạc lõng, tư tưởng hoang mang, giao động... May mắn trong thời gian đó tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, động viên từ gia đình và cộng đồng, giờ tôi thực sự cảm thấy thoải mái trong giao tiếp và luôn nghĩ chỉ có làm nhiều việc tốt thì mới hòa nhập được với cộng đồng”.
Sau khi CHXAPT 18 tháng về tội “Cố ý gây thương tích” trở về địa phương vào năm 2004, chị Tăng Thị Hạnh (40 tuổi) – trú tại bản Đội 4, xã Hồ Thầu được các cấp chính quyền địa phương động viên giúp đỡ, chị đã dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti. Năm 2005, chị được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trang trại để nuôi lợn, mỗi năm gia đình chị nuôi trên 100 con lợn thịt, gần chục con lợn nái. Ngoai ra, vợ chồng chị còn cần cù trồng rau màu, mở dịch vụ say sát… mỗi năm trừ tri phí gia đình chị thu trên 250 triệu đồng và được công nhận là hộ sản xuất kinh doạnh giỏi cấp huyện. Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, năm 2010 chị được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản, trên cương vị này chị luôn nỗ lực trong công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành.
Chị Hạnh tâm sự: “Mình có được như ngày hôm nay phải kể đến sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương; sự chia sẻ động viên của bà con chòm sóm đã giúp mình có đủ nghị lực xóa bỏ mặc cảm, tư ti để vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng…”
Chị hạnh đang thu hoạch hoa màu tại vườn Tính từ năm 2010 đến nay, huyện Tam Đường có 356 người chấp hành xong án phạt tù về đúng địa chỉ nơi cư trú, trong đó có 275 người hiện đang cư trú tại địa phương. Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng là một trong những giải pháp thiết thực bảo đảm ANTT, huyện Tam Đường đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Công an huyện đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức lồng ghép tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng cho 250 người CHXAPT và trên 300 người thân của người CHXAPT; tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời rà soát, tiến hành phân thành các nhóm, như: Nhóm có ý thức chấp hành pháp luật, đã ổn định cuộc sống; nhóm gặp khó khăn trong cuộc sống, thiếu vốn sản xuất, không có việc làm, còn tự ti mặc cảm; nhóm sống trong môi trường phức tạp về ANTT, dễ bị lôi kéo; nhóm sống buông thả lười lao động …để đề ra biện pháp quản lý giáo dục
Hội LHPN từ huyện đến cơ sở luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác cảm hóa, giáo dục người người có một thời lầm lỗi. Với phương châm dùng lời lẽ nhẹ nhàng, tình cảm nhưng không kém phần lý lẽ của người phụ nữ để thuyết phục họ tìm về nẻo thiện. Ngoài ra, các cấp Hội còn phát huy hiệu quả các câu lạc bộ, mô hình phòng chống tệ nạn xã hội, như: Câu lạc bộ “Đồng cảm” “Trác nhiệm cùng chia sẻ” “Trợ giúp pháp lý” “Xây dựng gia đình hạnh phúc”… Nhằm động viên, chia sẻ với những người một thời lầm lỗi để họ tái hòa nhập cộng đồng
Chị Tăng Thị Hạnh –bản Đội 4, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, một trong người tiêu biểu tái hòa nhập cộng đồng, trở thành một trưởng bản gương mẫu, một hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương
Cùng với đó, Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho 105 người CHXAPT được vay vốn để sản xuất kinh doanh; đồng thời ưu tiên hỗ trợ các nguồn khác để hỗ trợ họ làm nhà, xây dựng các công trình nước sinh hoạt. Các xã, thị trấn thực hiện tốt mô hình “5+1”, theo đó cứ 1 người vi phạm thì có 5 người đại diện cho các tổ chức đoàn thể cùng tham gia giáo dục, quản lý, cảm hóa…
Với sự giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của bản thân, người CHXAPT trở về địa phương đã dần xóa bỏ đi mặc cảm, tự ti; tránh xa các tệ nạn xã hội và trở thành người có ích cho xã hội. Đến nay, đã có 181 người đủ điều kiện xóa án tích, 5 người đã được xóa án tích, 7 trường hợp được giảm thời hạn chấp hành án treo, 45 trường hợp được đăng ký hộ khẩu, 35 trường hợp được cấp giấy chứng minh thư nhân dân. Trên 232 trường hợp đã có ý thức chấp hành pháp luật, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; nhiều cá nhân đã vượt qua khó khăn, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Đồng chí Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Những người vừa CHXAPT trở về địa phương đều mang trong mình rất nhiều mặc cảm, nếu không giúp đỡ kịp thời họ sẽ rất dễ tiếp tục sa ngã. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ban nghành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục động viên, giúp đỡ, tạo nguồn vốn để phát triển kinh tế, tránh để tái phạm vào con đường lầm lỡ. Đây cũng là giải pháp quan trọng, góp phần kiềm chế tội phạm gia tăng, giữ vững ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền