Chúng tôi đến bản Chù Lìn – bản được đánh giá là điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng của xã Hồ Thầu vào những ngày đầu mùa khô hanh. Gặp anh Tẩn A Nao đang cùng với gia đình chuẩn bị lên rừng để phát dọn diện tích rừng gia đình nhận bảo vệ, anh tâm sự: “ Trước kia, dân bản ai cũng vào rừng chặt cây, bổ lấy củi, để dùng hoặc để bán.
Nhưng khi đó, nước sản xuất thì không nhiều như bây giờ, cây lúa, cây ngô trồng xuống năm nào cũng mất mùa. Nước để ăn cũng ít lắm, chúng tôi toàn phải vào khe rừng lấy nước. Sau này được cán bộ xã rồi cán bộ kiểm lâm tuyên truyền nhiều về lợi ích của việc giữ rừng là bảo vệ chính nguồn nước và môi trường sống nên hơn chục năm nay rôi, bà con trong bản không ai còn chặt cây rừng nữa. Có rừng thì có nước để ăn uống, sản xuất. Có rừng bảo vệ cũng không lo xói mòn đất như trước nữa đâu.”
Người dân bản Chù Lìn phát dọn đường băng cản lửa
Không chỉ riêng anh Nao, mà 117 hộ gia đình của bản Chù Lìn cũng coi rừng như chính mạng sống, quyết tâm giữ rừng, không chặt phá rừng, nhờ đó mà trên 351 ha rừng của bản luôn xanh tốt, chưa từng xảy ra vụ cháy rừng nào. Khi được hỏi về “bí quyết” giữ rừng , trưởng bản Tẩn A Diu tâm sự, rằng để giữ rừng điều quan trọng là phải thay đổi được nhận thức của bà con. Để làm được điều đó, hàng năm, nhất là vào mùa hanh khô, cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã, bản thường xuyên tuyên truyền đến bà con Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật PCCCR, đồng thời thành lập tổ xung kích gồm 20 thành viên, thường xuyên canh gác, tuần tra, nhất là việc phát dọn các đường băng cản lửa. Do có diện tích rừng giáp danh với xã Bản Hon nên đội xung kích của bản lại càng phải luôn cảnh giác, tăng cường hơn nữa việc tuần tra. Trong 2 năm 2010, 2011, tại khu vực này đã xảy ra 3 vụ chặt, phá rừng trái phép của người xã khác. Sau khi phát hiện, đội xung kích đã nhanh chóng báo cho bản, phối hợp với kiểm lâm xã để tiến hành giải quyết vụ việc. Còn dân trong bản không cần ai bảo ai, nếu nhìn thấy người nào chặt phá rừng sẽ tự giác báo cho trưởng bản để xử phạt theo quy định. Bên cạnh đó cũng phải kể đến quy ước chặt chẽ được bản đặt ra. Quy ước quy định, những ai chặt phá rừng làm nương rẫy, để xảy ra cháy rừng sẽ bị phạt thấp nhất là 100 nghìn đồng. Mức phạt tăng dần qua số lần và mức độ vi phạm. Tất cả mọi người trong bản đều tuân thủ theo cam kết đã đề ra như: Không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, cùng tham gia thực hiện nghiêm chỉnh "quy ước bảo vệ và phát triển rừng", tích cực tham gia trồng rừng… “ Ở mỗi bản người dao đều có một khu rừng cấm được chúng tôi giữ gìn và bảo vệ bởi những luật tục và những điều kiêng kị. Trong ý thức của người dao thì rừng cấm là nơi thần rừng cư ngụ và để có cuộc sống no đủ, gia đình được khỏe mạnh, không đau ốm thì dân làng không được phép xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú. Cũng chính nghi lễ tâm linh này cũng góp phần quan trọng vào việc giữ rừng của người dao Chù Lìn. Trưởng bản Tẩn A Diu cũng chia sẻ thêm. “ Rừng trả ơn người”, những cánh rừng xanh bạt ngàn, không chỉ chở che, bảo vệ cho dân bản khỏi lũ ống, lũ quét, cho dân bản nguồn nước dồi dào để cấy lúa, trồng ngô mà dưới những tán rừng xanh, bà con còn nuôi thêm được con trâu, con gà, trồng thêm được thảo quả. “ Đồi rừng bao đời nay vẫn nuôi sống bản Dao, bây giờ người dao đã có cuộc sống ấm no hơn, không còn đói nghèo đeo bám nữa, vì vậy mà người Dao phải bảo vệ rừng chứ”, câu nói ấy của trưởng bản Tẩn A Diu càng cho chúng tôi nhận thấy quyết tâm bảo vệ, giữ mãi màu xanh ngút ngàn của rừng nơi người dao Chù Lìn ./.