Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghị Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành tâm sự: Năm 1988 khi tròn 20 tuổi anh nhập ngũ và đóng quân tại đồn biên phòng Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ. Gần 3 năm tại ngũ hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc anh trở về quê hương, buổi đầu lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, thiếu vốn liếng, kiến thức khiến cho cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó, vất vả. Trải qua những năm tháng lao động cần mẫn để mưu sinh. Năm 1995, nhận thấy nhiều diện tích đất đồi hoang hóa, anh bàn bạc với vợ rồi mạnh dạn làm đơn nhận trồng và chăm sóc hơn 7ha đất rừng, đồng thời phát triển thêm nghề chăn nuôi và kinh doanh nhỏ lẻ để tăng thêm thu nhập. Sau nhiều năm tích cóp được một nguồn vốn anh tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra anh còn nhận làm đại lý chính thức cho Bảo hiểm nhân thọ tỉnh Lai Châu từ năm 2003 đến nay. Với tinh thần chịu thương, chịu khó ham học hỏi, hiện trong tay anh đã có một cơ ngơi khang trang với nhiều loại hình kinh tế như: 2 cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp, đặc biệt để phục vụ kịp thời và đáp ứng nhu cầu khách hàng, anh còn đầu tư mua 2 xe tải để chuyên chở vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp cho khách ở vùng sâu, vùng xa; Ngoài ra anh còn có 1 xưởng chế biến đồ thủ công mỹ nghệ; hơn 7 ha diện tích đất rừng sản xuất và tận dụng diện tích dưới tán rừng anh còn trồng thêm 4 ha Sa Nhân năm nay đã cho ra bói và gần 3 ha cây ăn quả. Từ mô hình này đã đem lại thu nhập cho gia đình anh đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Chia sẻ với chúng tôi Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành cho biết: ‘Trước đây gia đình mình chỉ làm nông nghiệp, thu nhập chẳng được bao nhiêu nên mình đã đi nhiều nơi tìm hiểu và học tập từ các mô hình, qua đó mình đã quyết định phát triển kinh tế theo hướng vườn rừng kết hợp với kinh doanh, đặc biệt mình cũng đang chuyển đổi một số diện tích rừng sang trồng cây ăn quả và trồng thêm dưới tán rừng cây dược liệu để nâng cao thu nhập cũng như phát triển kinh tế bền vững cho gia đình’’.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành (người mặc áo xanh đội mũ) đang giới thiệu cây Sa nhân với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện.
Mặc dù đến nay kinh tế của gia đình đã vững vàng, nhưng anh vẫn tiếp tục tìm tòi thêm các hướng đi mới để phát triển kinh tế, đồng thời tái đầu tư vào mô hình để đem lại hiệu quả cao hơn. Với mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp có quy mô khá lớn này, nhà lại neo người nên anh còn tạo điều kiện giúp đỡ công ăn việc làm thường xuyên cho 5 đến 6 lao động là con em người địa phương với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Tâm sự thêm với chúng tôi CCB Nguyễn Văn Thành nói: ‘Để phát triển kinh tế thì mình cũng mạnh dạn mở rộng, tuy nhiên mình cũng không thể làm hết được nên phải thuê thêm người làm, có như thế mình mới có thể phát triển dần lên được, đồng thời giúp những lao động địa phương có thêm nguồn thu nhập ổn định’’.
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành còn tham gia tích cực trong các hoạt động của Hội Cựu chiến binh ở cơ sở, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cũng như giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh khác gặp khó khăn trong cuộc sống. Với những việc làm đó anh xứng đáng với 8 chữ vàng danh dự của Cựu chiến binh Việt Nam “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội” và viết tiếp truyền thống vẻ vang của anh bộ đội cụ Hồ. Đó là lời nhận xét ông Bạch Thái Dũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện về hội viên Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền