Mô hình liên kết sản xuất lúa Tẻ râu này bắt đầu được thực hiện từ vụ chiêm xuân năm 2016 trên diện tích 5ha với sự tham gia của hơn 20 hộ dân ở 2 bản Phìn Ngan Sin Chải và Phìn Ngan Lao Chải của xã Tả Lèng. Từ hơn 20 hộ dân tham gia ở vụ chiêm xuân, thì đến vụ mùa năm nay mô hình này đã có sự tham gia của 58 hộ ở 4 bản Háng Là, San Cha Mông, Phìn Ngan Sin Chải và Phìn Ngan Lao Chải với tổng diện tích thực hiện lên đến 34,3 ha, trong đó lúa hàng hóa là 29,3ha và 5ha mô hình sản xuất lúa giống của Trung tâm khuyến nông tỉnh. Từ những kết quả đó cho thấy mô hình sản xuất lúa Tẻ râu này đã mang lại hiệu quả cho người nông dân, cũng như khẳng định sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất lúa hàng hóa. Đây cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện Tam Đường nhằm mục tiêu liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao cho bà con nhân dân.
Là một trong những hộ dân tham gia từ đầu chương trình, gia đình anh Giàng A Súa ở bản Phìn Ngan Sin Chải có khoảng 1ha diện tích trồng lúa thì anh đã trồng 5.000m
2 lúa Tẻ râu, còn lại một nửa diện tích anh trồng các giống lúa khác để đảm bảo lương thực cho gia đình. Trao đổi với chúng tôi anh Giàng A Súa cho biết: Mặc dù năng xuất của giống lúa này không cao bằng các giống lúa khác nhưng giá trị cao hơn từ 2 lần đến hơn 2 lần, do vậy những vụ sau mình sẽ tiếp tục trồng giống Tẻ râu này.
Cũng giống như gia đình anh Súa, gia đình chị Chang Thị Mỷ ở bản Phìn Ngan Sin Chải cũng tham gia thực hiện mô hình liên doanh liên kết này. Theo chị Mỷ cho biết: Giống lúa Tẻ râu này là giống lúa có hương vị và chất lượng gạo ngon của người Mông, nên vụ lúa nào gia đình chị cũng gieo trồng với một diện tích nhất định, sau khi thu hoạch về mặc dù được phơi khô và quạt kỹ nhưng giá bán lúc cao, lúc thấp không ổn định. Nay gia đình chị tham gia vào mô hình này và được Công ty cổ phần chè Tam Đường lên tận nơi thu mua luôn thóc tươi với giá bán từ 10.000 đến 11.500 đ/kg thóc tươi, nên gia đình chị sẽ tiếp tục trồng và mở rộng diện tích dần theo từng vụ.
Bà con nhân dân bản Phìn Ngan Sin Chải - xã Tả Lèng đang thu hoạch lúa Tẻ râu.
Do được Công ty cổ phần chè Tam Đường và các ngành hỗ trợ về giống và cung ứng vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn và qua hội thảo ở vụ mùa năm 2016 này năng suất bình quân của mô hình lúa Tẻ râu đạt được 52,5 tạ/ha, trừ mọi chi phí thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/ha cao hơn so với các giống lúa khác từ 15 đến 20 triệu đồng/ha. Với hiệu quả ban đầu như vậy Đảng ủy xã đã ra nghị quyết từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích lúa Tẻ râu lên 200ha chủ yếu ở những bản có diện tích lúa tập trung nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần cùng xã thúc đẩy quá trình xây dựng xã Nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi ông Lý A Chư - Bí thư Đảng ủy xã Tả Lèng cho biết: Xác định Tả Lèng chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp và có tỷ lệ đói nghèo cao. Ngoài ra năm nay trong sản xuất nông nghiệp đã có sự vào cuộc của doanh nghiệp và nhà nước đối với việc sản xuất và bao tiêu sản phẩn nên tháng 4/2016 vừa qua BCH Đảng ủy xã đã đề ra nghị quyết phát triển diện tích lúa Tẻ râu hàng hóa để nâng cao đời sống và góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân.
Để cùng với địa phương hiện thực hóa vấn đề này, đồng thời tạo mối liên kết lâu dài trong sản xuất trong nông nghiệp, nhằm phục hồi giống lúa Tẻ râu và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Huyện đã có những giải pháp phối hợp với doanh nghiệp, người nông dân và cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước đưa thương hiệu gạo Tẻ râu của huyện nhà vào thị trường. Về vấn đề này ông Từ Hữu Hà - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Lúa Tẻ râu là một trong những giống lúa có chất lượng gạo thơm ngon của bà con nông dân vùng cao từ lâu. Tuy nhiên do trình độ canh tác, đầu ra cho sản phẩm không ổn định nên lúa Tẻ râu ngày bị mai một và có chiều hướng lẫn tạp nên giá trị kinh tế cũng chưa thực sự hiệu quả. Bắt đầu từ vụ chiêm xuân chúng tôi đã liên kết với doanh nghiệp nhằm phục hồi giống lúa Tẻ râu này, đồng thời quảng bá và giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Đến vụ mùa này khi thấy hiệu quả rõ rệt người dân đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước mở rộng diện tích, đồng thời phục hồi giống lúa này. Trên cơ sở mô hình này chúng tôi sẽ tiếp tục tập chung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường và mở rộng diện tích ra các xã có điều kiện, nhưng chủ yếu vẫn ở xã Tả Lèng nhằm nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Công ty cổ phần phát triển chè Tam Đường đang thu mua lúa Tẻ râu cho bà con nông dân.
Với những hiệu quả đạt được trong quá trình sản xuất lúa Tẻ râu tại xã Tả Lèng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 3 bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm và dễ dàng tìm đầu ra tiêu thụ, mang đến lợi nhuận cao hơn trên một diện tích đất canh tác. Đây có thể nói là một trong những hướng đi giúp người nông dân làm giàu chính đáng thông qua việc sản xuất nông nghiệp.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền