Nhận biết và phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa

Thứ tư - 16/05/2018 22:42 4.945 0
Vụ mùa năm nay, toàn huyện Tam Đường gieo cấy 758 ha lúa, hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Trong 758 ha lúa thì có 57,5 ha lúa bị nhiễm rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Thị trấn, Bình Lư, Thèn Sin và Nà Tăm, trong đó diện tích lúa bị nhiễm chủ yếu ở các giống lúa: Séng Cù, Tẻ Râu, Bắc Thơm. Mặc dù hiện nay trên địa bàn huyện chưa phát hiện ra bệnh lùn sọc đen hại lúa, nhưng nếu không kịp thời phòng trừ rầy sẽ khiến cho rầy sinh sôi, phát triển mạnh và là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen cho cây lúa, đối với bệnh lùn sọc đen này hiện chưa có thuốc đặc trị. Khi cây lúa bị nhiễm bệnh sẽ mất năng suất hoàn toàn.
            Để giúp bà con chủ động phòng trừ bệnh hiệu quả, sau đây là hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh Lùn sọc đen hại lúa
          1.Tác nhân gây bệnh.
          Bệnh Lùn sọc đen do virut thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và do rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới chính truyền bệnh.
          2. Nhận biết triệu chứng và tác hại của bệnh
          Triệu chứng: Cây thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường, lá lúa có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
          - Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường có đặc điểm:
          + Nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định.
          + Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen.:
          Tác hại: Cây lúa nhiễm bệnh thường sinh trưởng kém, cây thấp lùn, có thể bị chết sớm, khi cây nhiễm bệnh nặng thường không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen, không cho thu hoạch.


Rầy là tác nhân truyền virut lùn sọc đen sang cây lúa

          3. Đặc điểm phát sinh phát triển bệnh
          Vi rút gây bệnh tồn tại trong cơ thể của rầy lưng trắng sống qua đông hoặc di chuyển rất xa theo gió và bão để gây bệnh cho lúa và một số loài cây khác ở các vùng khác hoặc vụ tiếp theo.
          Ngoài cây lúa, bệnh Lùn sọc đen còn gây hại trên ngô, lúa mì, cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng, vì các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn chứa vi rút để rầy lưng trắng truyền sang cây lúa. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó.
          Bệnh thường gây hại mạnh ở những nơi có nguồn bệnh vi rút từ những vụ trước khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho rầy lưng trắng phát triển.

Cây lúa khi bị nhiễm bệnh lùn sọc đen

          4. Biện pháp phòng trừ:
          Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh lùn sọc đen. Để hạn chế thấp nhất tác hại của bệnh phải thực hiện tốt việc phòng bệnh.
          - Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy triệt để cây bệnh, rơm rạ, lúa chét và cỏ dại. Làm đất kỹ, làm ải đối với ruộng cao, làm dầm đối với ruộng trũng. Sử dụng vôi bột để rắc xung quanh bờ ruộng và toàn bộ ruộng cấy (20-25 kg/sào).
          - Sử dụng giống lúa có chất lượng tốt, những giống nhiễm rầy phải tuân thủ theo quy trình thâm canh, quản lý rầy nghiêm ngặt.
          - Gieo cấy tập trung, đúng lịch, thời vụ theo hướng dẫn.
          - Áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp, bón phân cân đối, không bón thừa đạm tạo cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng và chống chịu, hạn chế sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh.
          - Thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ.
          - Đối với vùng đã có mầm bệnh từ trước, cần chủ động xử lý mầm trước khi gieo bằng thuốc đặc hiệu Victory 585EC, Penalty 40WP, Bassa 50EC, …để trừ rầy ngay từ giai đoạn đầu của cây lúa. 
          - Áp dụng các biện canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khoẻ, nhất là giai đoạn lúa non để tăng sức đề kháng của cây.
          Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng, khi phát hiện có rầy lưng trắng tiến hành phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, sử dụng loại thuốc theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn lúa phân hóa đòng - trỗ dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc, hoặc kết hợp.
          Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời gian.

Tác giả: Hoàng Cường

Nguồn tin: Đài TT-TH Tam Đường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down