Thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do người dân chưa thực sự chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi, đặc biệt chưa chủ động dự trữ nguồn thức ăn khiến vật nuôi không đủ sức đề kháng dẫn đến việc giảm khả năng chống chịu với diễn biến thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền mà việc dự trữ thức ăn cho gia súc đã được người dân trên địa bàn huyện chuẩn bị trước khi mùa Đông đến.
Anh Cứ A Sủ (Áo đỏ) ở Bản Ngài Thầu Thấp - xã Khun Há đầu tư hơn 1 triệu đồng để làm khu dự trữ rơm, rạ
làm thức ăn cho đàn gia súc của gia đình trong mùa Đông.
Ở xã vùng cao Khun Há vào mùa đông khí hậu thường rất khắc nghiệt, sương mù kèm theo gió rét kéo dài nên mỗi khi mùa đông đến nguy cơ đàn gia súc bị ảnh hưởng do rét là khá lớn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhận thức được giá trị của đàn gia súc gia đình anh Cứ A Sủ ở bản Ngài Thầu Thấp sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình anh lại thu gom, tích trữ rơm, rạ để làm thức ăn cho gia súc trong những ngày đông giá rét, đồng thời anh còn đầu tư làm chuồng trại và khu dự trữ thức ăn cho đàn trâu của gia đình. Ngoài ra, gia đình anh còn chú trọng thực hiện tốt công tác tiêm phòng nên đàn trâu của gia đình không bị dịch bệnh và phát triển tốt. A Cứ A Sủ cho rằng: “Trước đây bà con nhân dân chúng tôi nhận thức còn hạn chế, thường chăn thả gia súc trên núi cao, nhưng kể từ khi được cán bộ tuyên truyền và nhận thấy giá trị của 1 con trâu là khá lớn nên khi thu mùa xong chúng tôi chủ động tích trữ rơm, rạ và làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc khi mùa đông đến. Tôi cũng đầu tư thêm hơn 1 triệu đồng để làm khu dự trữ thức ăn cho đàn trâu của gia đình vì nếu làm tạm bợ chỉ được 1 năm nên tôi đầu tư để có thể sử dụng được lâu dài”.
Cán bộ xã Khun Há hướng dẫn người dân che chắn, bảo quản rơm rạ làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông.
Không chỉ riêng gì bà con nhân dân các xã vùng cao chủ động tích trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc mà bà con nhân dân các xã vùng thấp như Bình Lư, Thị trấn cũng tích cực dự trữ rơm rạ để dự phòng cho đàn gia súc khi mùa đông đến. Sau khi gặt xong, tranh thủ thời tiết có nắng anh Lò Văn Ổn ở bản Đồng Tâm - Thị trấn Tam Đường ra đồng phơi rơm để làm thức ăn cho 2 con trâu của gia đình. Bởi theo anh cho biết: “Khi mùa đông đến cây cỏ không phát triển được nên không có thức ăn cho trâu nên anh chủ động phơi rơm rạ để tích trữ nguồn thức ăn khi nhiệt độ xuống thấp”.
Người dân Thị trấn thu rơm để dự trữ thức ăn cho gia súc.
Vào mùa Đông, nguồn cỏ trồng và tự nhiên không đáp ứng đủ cho gia súc. Do đó, để tránh thiệt hại cho đàn gia súc, sau khi người dân bước vào thu hoạch lúa mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân cần chủ động tích trữ rơm, rạ và một số phụ phẩm nông nghiệp khác để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa Đông. Bên cạnh đó, bà con cũng cần tập trung chăm sóc diện tích cỏ trồng; bổ sung thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô, cây chuối... đồng thời cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Cùng với đó, khuyến khích bà con đầu tư làm mới và tu sửa chuồng trại, che chắn chống rét; nuôi nhốt, không thả rông gia súc trong những ngày rét hại, rét đậm.
Người dân xã Bình Lư vận chuyển rơm rạ về là thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông.
Theo thống kê hiện toàn huyện Tam Đường có gần 18.400 con trâu, bò, dê, ngựa, trong đó đàn trâu là 13.200 con, đàn bò là 720 con, đàn ngựa là 770 con và 3.700 con dê. Mặc dù những năm qua nhiều hộ gia đình ở các xã, thị trấn đã chủ động trồng cỏ để đáp ứng nguồn thức ăn xanh cho gia súc trong mùa đông, nhưng những diện tích cỏ này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thức ăn cho tổng đàn gia súc. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Hoàng Đình Quân - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện nói: “Mặc dù các cơ quan chuyên môn huyện đã khuyến khích người dân tích cực trồng cỏ nhưng vẫn không đảm bảo lượng thức ăn cho tổng đàn gia súc của huyện, do đó chúng tôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc trước khi mùa Đông đến, nên đến nay cơ bản người dân đã ý thức hơn, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng cao trong việc chuẩn bị chuồng trại cũng như thức ăn để đảm bảo cho đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt trong mùa Đông”. Nhận thức được khối tài sản có giá trị lớn từ gia súc, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Tam Đường đã và đang dần thay đổi thói quen chăn thả tự nhiên, dần hình thành ý thức dự trữ, chuẩn bị thức ăn cho gia súc khi mùa đông đến. Với sự chủ động cùng với nhiều giải pháp trong dự trữ, đảm bảo nguồn thức ăn của bà con như hiện nay sẽ góp phần duy trì và đảm bảo tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm đạt từ 6 - 7%/năm, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền