Gia đình anh Đỗ Văn Quỳnh, bản Km 2 xã Bình Lư là một trong những hộ sản xuất kinh doanh miến dong, trung bình mỗi ngày gia đình anh làm 2 mẻ miến với số lượng hàng tạ. Để đáp ứng nhu cầu bột để chế biến miến, gia đình vừa thuê đất thêm để trồng dong vừa mua thêm bột của các hộ khác. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên diện tích dong riềng nhà anh Quỳnh bị đổ gãy cây, dẫn đến sản lượng củ đạt thấp. Anh Quỳnh chia sẻ: Gia đình tôi trồng nhiều dong riềng để sản xuất miến dong, mọi năm sản lượng đạt cao, nhưng năm nay do gặp gió gãy hết cây, nhiều gốc đã mọc cây mới, sản lượng củ và bột năm nay sẽ không đáp ứng được nhu cầu làm miến nên gia đình sẽ phải mua thêm bột để làm.Cũng như gia đình anh Quỳnh, gia đình Vũ Văn Chung, bản Thống Nhất, xã Bình Lư trồng trên 3.000 m2 dong riềng, nếu như mọi năm thì số lượng dong này sát thành bột đủ cho gia đình sản xuất miến. Tuy nhiên năm nay thời tiết mưa nhiều làm cho củ dong mọc mầm nên hàm lượng bột không cao. Anh Chung cho biết: Do thời tiết mưa nhiều nên nhiều diện tích sản lượng thấp, nếu có đạt sản lượng thì hàm lượng bột lại không đạt yêu cầu
Nhân dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư (Tam Đường) thu hoạch dong riềng
Vụ dong riềng năm nay huyện Tam Đường có trồng 69,05 ha/53 ha đạt 130,3% so với kế hoạch tập trung ở các xã Bình Lư, Thèn Sin và Sơn Bình, trong đó tập trung nhiều nhất ở Bình Lư với trên 35 ha. Qua tìm hiểu về sản lượng dong riềng năm nay, đa số người dân cho biết: Do thời tiết thất thường, đúng lúc củ dong tạo bột gặp gió to làm cây đổ gãy dẫn đến nhiều củ đã mọc mầm mới, kéo theo chất lượng bột sẽ giảm.Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết: Vụ dong riềng năm nay do thời tiết thất thường, lúc thời gian gần thu hoạch có gió to dẫn đến việc tạo bột của dong bị kém, sản lượng đạt thấp. Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo bà con, tranh thủ thời tiết thuận lợi tích cực thu hoạch, đồng thời chuẩn bị máy móc xay, sát bột để sản xuất miến phục vụ khách hàng trong dịp TếtDong riềng được coi là một trong những cây trồng thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân một số xã trên địa bàn, đặc biệt đã phần nào đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho làng nghề làm miến. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển diện tích trồng dong riềng chưa thực sự được đầu tư đúng mức, giống dong chưa được thay thế, mà chủ yếu là các hộ tự để lại từ vụ trước, nên sâu bệnh nhiều và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sản lượng củ và chất lượng bột không đảm bảo. Do vậy, cần có một giải pháp để cây dong riềng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền