Lan tỏa phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở Bản Giang

Thứ tư - 26/06/2019 05:27 808 0
Những năm qua, bằng sự năng động, sáng tạo, các cấp Hội nông dân xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đã thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Qua đó đã tạo ra sức lan tỏa mạnh và không khí thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi, trồng trọt; góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc

       Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng Văn Lính- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Giang cho biết: “Hiện Hội nông dân xã Bản Giang có 9 chi hội với 647 hội viên, trong đó hội viên là người dân tộc chiếm 89%. Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Hội đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường tận dụng mọi tiềm năng sẵn có về đất đai, lao động tại địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhằm đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”

        Để hội viên tiếp cận được nguồn vốn, Hội đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên được vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội quản lý  trên 4,7 tỷ đồng, cho 145 hộ vay; vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các hội viên vay trên 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn quản lý nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho 24 hộ vay với số tiền 500 triệu đồng để thực hiện mô hình chăm sóc cam tại chi hội Nà Bỏ và Bản Giang; phối hợp với Hội nông dân huyện cung ứng nguồn phân bón trả chậm cho người dân

Song song với công tác hỗ trợ vốn, Hội còn chú trọng công tác đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên một diện tích đất canh tác. Trong những năm qua, Hội đã phối hợp mở gần chục lớp dạy nghề ngắn hạn cho hàng trăm hội viên nông dân về kỹ thuật: Nuôi trồng thủy sản, chăm sóc cây cam... Tính riêng năm 2018, Hội đã phối hợp mở 02 lớp dạy nghề trồng trọt tại bản Suối Thầu và bản Nà Cơ với 60 lượt người tham gia.

IMG 3550

Nông dân bản xã Bản Giang tập trung chăm sóc cây cam

     Có kiến thức khoa học kỹ thuật và vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những năm vừa qua, nhận thấy việc trồng lúa cho giá trị kinh tế không cao, nông dân xã đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mía. Đến nay toàn xã có 31 ha, sản lượng 1.550 tấn/năm. Từ trồng mía, nhiều hộ có thu nhập trên 90 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cây cam cũng đang trở thành cây trồng chủ lực của nông dân xã với diện tích trên 90 ha, tập trung ở 4 bản: Nà Bỏ, Bản Giang, Hà Giang, Nà Sài. Trong đó, có gần 40 ha có sản phẩm bán ra thị trường, doanh thu khoảng 100 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng chè cũng đang lại giá trị kinh tế cao

Anh Vũ Quang Khiết (41 tuổi) ở bản Hà Giang (xã Bản Giang) là gương điển hình về tinh thần vượt khó làm giàu ở địa phương. Nhận thấy vùng nguyên liệu sẵn có, năm 2005, anh đã vay vốn của Ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất, chế biến chè. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, ạnh đã vài lần thất bại. Không nản chí, anh vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và rồi dần thành công. Hiện nay, với hệ thống dây chuyền sản xuất chè hiện đại, vào chính vụ chè thì mỗi ngày cơ sở sản xuất của anh chế biến được khoảng 30 tấn chè tươi, từ đó xuất ra thị trường Đài Loan 5 tấn chè khô.

Cùng với chế biến chè, anh còn mở thêm cửa hàng bán vật liệu xây dựng và đầu tư 01 cơ sở sản xuất gạch bi, mua 4 chiếc ô tô vừa để phục vụ cho việc thu mua chè và chuyên chở vật liệu cho các công trình. Với mô hình này, tổng doanh thu một năm trên 13 tỷ đồng. Không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình, mà anh Khiết còn đem lại công việc ổn định cho gần 20 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu/tháng.

Không chỉ có anh Khiết mà trên địa bàn còn nhiều hội viên nông dân là những điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi, như: Mô hình nuôi trồng thủy sản của chị Vàng Thị Trám ở bản Coóc Pa; mô hình trồng nấm của anh Lù Văn Độ ở bản Bản Giang; mô hình trồng cam kết hợp với chăn nuôi của anh Vàng Văn Cương ở bản Cóoc Pa…với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có thể khẳng định, Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đang có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Năm 2018, toàn xã có 60 gia đình hội viên đăng ký phấn đấu danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thì có 50 hộ đạt tiêu chuẩn, trong đó cấp tỉnh 3 hộ, cấp huyện 14 hộ, cấp xã là 33 hộ. Qua phong trào này, không chỉ nâng cao đời sống cho hội viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương

 

                                                                                                                                                        Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down