Cuộc điều tra thu thập thông tin tình hình phát triển KT - XH được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/7/2024 và kết thúc vào ngày 15/8/2024. Nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thực hiện chương trình Điều tra. Chi cục thống kê huyện đã phối hợp chặt chẽ với Cục thống kê tỉnh tăng cường công tác giám sát nhằm để đảm bảo chất lượng, hiệu quả thông tin thu thập.
Dù là những ngày cuối tuần nhưng gia đình anh Lý Văn Chiếu là người dân tộc Dao đỏ ở bản Tân Hợp - xã Sơn Bình vẫn khá bận rộn, nhưng khi có điều tra viên đến thu thập thông tin về đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số anh vẫn vui vẻ hợp tác và tạo điều kiện để cung cấp thông tin cho các điều tra viên với mong muốn thông tin của gia đình mình sẽ góp phần là nền tảng để Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp để các dân tộc phát triển. Anh Chiếu chia sẻ: Hôm nay có điều tra viên đến thu thập thông tin về đời sống, kinh tế của gia đình tôi, tôi cũng sẵn sàng cung cấp thông tin để điều tra viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tôi cũng mong muốn sau này Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách thiết thực hơn đến với đồng bào các dân tộc chúng tôi.
Giám sát viên cấp tỉnh và cấp huyện đang giám sát quá trình điều tra, thu thập thông tin của điều tra viên tại bản Huổi Ke - xã Sơn Bình.
Để cuộc điều tra đạt yêu cầu đề ra, ngay từ trước khi bước vào cuộc điều tra Chi Cục Thống kê huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến dưới nhiều hình thức: Băng rôn, khẩu hiệu…, lựa chọn điều tra viên là cán bộ, giáo viên, người thông thuộc, nắm chắc địa bàn, đồng thời tổ chức tập huấn cho các điều tra viên nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều tra.
Được biết trong quá trình điều tra, các điều tra viên phải đến trực tiếp tận hộ để thu thập lượng thông tin khá lớn về: Số lượng nhân khẩu của dân số; tình trạng giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các thông tin về người chết; nhà ở, điều kiện sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất; một số loại gia súc nuôi chủ yếu; việc tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số. Với khối lượng thông tin cần thu thập khá lớn, để tránh thiếu và sai sót thông tin trong quá trình thu thập, giám sát viên cấp huyện cũng thường xuyên xuống cơ sở đồng hành với các điều tra viên để hướng dẫn, xử lý những vấn đề vướng mắc nhằm đảm bảo chất lượng thông tin. Bà Hoàng Thị Huyền Trang - Phó Chi cục trưởng Chi Cục thống kê huyện cho biết: Thực hiện Quyết định của TW và của tỉnh, Chi cục Thống kê huyện đã ban hành kế hoạch điều tra,. Đối với địa bàn huyện Tam Đường có 46 địa bàn cần điều tra, chúng tôi đã tuyển chọn 46 điều tra viên phụ trách một địa bàn và đều phải có điện thoại thông minh, biết sử dụng thành thạo công nghệ là những cán bộ công chức xã, sinh viên, giáo viên đang nghỉ hè. Cuộc điều tra bắt đầu tiến hành từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/8/2024, để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng cuộc điều tra chúng tôi đã mở 3 lớp tập huấn nghiệp vụ cho các điều tra viên, đồng thời phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi các điều tra viên xuống địa bàn thu thập thông tin chúng tôi cũng đã thực hiện giám sát để kịp thời giải quyết các khó khăn trong quá trình điều tra.
Đặc biệt, trong qúa trình điều tra, Chi cục thống kê huyện còn phối hợp chặt chẽ với Cục thống kê tỉnh tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình điều tra để kịp thời phát hiện, trao đổi những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhập trên phiếu điều tra CAPI và khắc phục các vấn đề phát sinh hạn chế sai sót trong quá trình thu thập thông tin. Bà Hoàng Thị Tươi - Giám sát viên Cục thống kê tỉnh Lai Châu nói: Để giám sát cuộc điều tra 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung và địa bàn huyện Tam Đường nói riêng, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với giám sát viên cấp huyện sẽ giám sát ngay từ khâu lập bảng kê, hướng dẫn các điều tra viên thu thập thông tin, đồng thời thường xuyên kiểm tra tiến độ, tính logic, kiểm tra thông tin phiếu. Kịp thời phát hiện những vấn đề, hoặc thông tin chưa chính xác để điều tra viên kiểm tra, xác minh lại thông tin để đảm bảo tính chính xác và chất lượng của phiếu điều tra.
Giám sát viên cấp tỉnh và cấp huyện đang giám sát quá trình điều tra, thu thập thông tin của điều tra viên tại bản Tân Hợp - xã Sơn Bình.
Việc thu thập thông tin trong cuộc điều tra về thực trạng KT - XH của 53 dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Vì thế, việc chú trọng giám sát, nhất là những ngày đầu tiên của cuộc điều tra để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho điều tra viên thu thập thông tin một cách chính xác, bởi chất lượng thông tin sẽ mang tính quyết định đến các chính sách của Đảng và Nhà nước sau này.
Hoàng Cường