Tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở ở Tam Đường

Thứ sáu - 22/03/2019 00:40 1.055 0
Thực hiện Quyết định 718/QĐ-TTg Ngày 15/5/2014 Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 - 2018”, huyện Tam Đường được chọn thực hiện đề án. Qua 5 năm thực hiện đề án, đến nay huyện Tam Đường đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc bố trí việc làm cho đối tượng thuộc đề án sau khi kết thúc hợp đồng từ ngày 31/12/2018.
Thực hiện “Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 – 2018” huyện Tam Đường có 3 xã là Khun há, Sơn bình, Bản Hon nằm trong vùng thực hiện Đề án, qua 5 năm thực hiện, Đề án đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Ngay từ khi triển khai đề án trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo phòng nội vụ thực hiện rà soát, thống kê trên địa bàn các xã thuộc Đề án số sinh viên, học viên người dân tộc Mông đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp có trình độ trung cấp trở lên, xem xét người tốt nghiệp có ngành nghề phù hợp với nhiệm vụ của từng xã để tiến hành hợp đồng theo đúng đối tượng mà đề án quy định. Từ năm 2014, đến nay theo đề án đã có 23 lượt cán bộ, công chức là người dân tộc Mông được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Tỷ lệ cán bộ, công chức đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ đạt trên 95%. Kết quả công tác tạo nguồn cán bộ cơ sở và bố trí hợp đồng lao động là người dân tộc Mông tại 3 xã trọng điểm của huyện nằm trong đề án đã từng bước đem lại hiệu quả. Ông Phạm Chiến Công -  Trưởng phòng nội vụ huyện Tam Đường cho biết: “ Qua 5 năm thực hiện đề án huyện Tam Đường đã đạt được những mục tiêu cụ thể của Đề án như: Trên 100/90% chỉ tiêu của Đề án là thôn, bản có chi bộ; 92,1/85% cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 96,8% công chức đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; 100% số xã có 30% đồng bào dân tộc Mông được bố trí cán bộ chủ chốt là Chủ tich, Phó Chủ tịch, HĐND, UBND… chính những đối tượng cán bộ dân tộc Mông thuộc đề án đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xã hội chung của xã trọng yếu khi triển khai Đề án”.

Nguyên là cán bộ theo Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 – 2018, sau khi được ký hợp đồng làm việc tại UBND xã Sơn Bình, anh Giàng A Tắng được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời anh cũng thường xuyên cùng cán bộ, lãnh đạo xã đến các bản để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động, việc làm cụ thể anh đã khẳng định được năng lực và được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi là một cán bộ thuộc đề án 718, là một người con của xã sau khi kết thúc hợp đồng tôi được xã bố trí làm bí thư đoàn xã, giờ đây tôi yên tâm công tác và có thêm động lực để phấn đấu vì mục tiêu phát triển chung của xã”.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được, việc thực hiện đề án cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc điển hình đó là chất lượng, năng lực cán bộ là người dân tộc Mông chưa cao khó đáp ứng được nhu cầu và vị trí công việc; việc chưa có chiến lược đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số cũng là một trở ngại lớn khi đề án kết thúc. Hiện tại chưa có chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ đặc thù đối với người dân tộc ít người từ đó dẫn đến có trường hợp bỏ vị trí khi chưa kết thúc đề án. “ Chúng tôi cũng có kiến nghị các cấp ngành trung ương và địa phương tiếp tục có những nghiên cứu để có những phương án phù hợp có thể kéo dài được hiệu quả trong việc tăng cường cán bộ là người dân tộc thiểu số đặc biệt là dân tộc Mông..” Ông Phạm Chiến Công, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tam Đường cho biết thêm.

 
10
Việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018, là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội
 
Có thể khẳng định bên cạnh những khó khăn thì Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 – 2018, đã giúp 3 xã Sơn Bình, Khun Há và Bản Hon của huyện Tam Đường củng cố đội ngũ cán bộ, đảm bảo số lượng, chất lượng, phát huy được năng lực, sở trường, trách nhiệm trong công việc đáp ứng yêu cầu được giao góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả: Đức Trọng –Yến Thanh

Nguồn tin: Đài TT-TH Tam Đường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down