Sinh ra và lớn lên ở Bảo Thắng - Lào Cai nhưng anh Nguyễn Gia Oanh đã chọn mảnh đất Chu Va 8 - xã Sơn Bình là quê hương thứ 2 của mình, bởi anh nhận thấy thời tiết khí hậu ở đây mát mẻ, đặc biệt có nguồn nước lạnh phù hợp với nuôi trồng các loại cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi. Cuối năm 2019, anh đã mua lại 1 ha đất dưới chân núi Hoàng Liên của người dân để đầu tư nuôi cá nước lạnh. Theo anh Oanh cho biết: hiện anh có 20 ao lớn nhỏ với diện tích ao nuôi khoảng 6.000m2, đặc biệt để giảm chi phí anh đã nuôi trồng theo quy trình khép kín từ cá nhỏ cho đến cá thịt, vừa gối vụ vừa đảm bảo lúc nào cùng có cá thương phẩm bán ra thị trường. Sau 2 năm, gia đình anh đã có khoảng 8 vạn cá tầm, cá hồi giống, 5.000 con cá tầm và 2 vạn cá hồi thương phẩm có thể xuất ra thị trường. Mỗi năm anh xuất bán từ 25 - 30 tấn cá thương phẩm, thu nhập đạt từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Oanh cũng cho biết thêm: nguồn nước ở đây rất tốt cho việc nuôi Cá tầm, cá hồi bởi nước sạch, độ lạnh cao, rất thích hợp nuôi cá tầm, cá hồi.
Không chỉ người dân nơi khác đến đây lập nghiệp bằng nghề nuôi cá nước lạnh, mà nhiều hộ gia đình người Mông ở Sơn Bình cũng đã chủ động học hỏi kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh, đồng thời mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi cá tầm, cá hồi, đặc biệt nhận thấy hiệu quả của việc nuôi cá nước lạnh nhiều hộ gia đình đã chủ động mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Chỉ sau vài năm từ nuôi cá tầm, cá hồi cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi rõ rệt và trở thành những triệu phú trên triền núi cao của xã Sơn Bình.
Sau khi cùng bạn đi chơi ở Sa Pa, anh Hảng A Lảng ở bản Chu Va 8 xã Sơn Bình nhận thấy nhiều người dân ở đây có kinh tế khá giả, mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại cho gia đình nhờ nuôi cá Tầm, cá Hồi. Anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư ao nuôi, mặc dù mới nuôi được khoảng hơn 2 năm nay nhưng hiệu quả đem lại rõ rệt hơn so với những mô hình phát triển kinh tế khác. Chia sẻ với chúng tôi anh Lảng cho rằng: Năm đầu tiên mình đầu tư hơn 200 triệu để nuôi cá Tầm, cá Hồi với diện tích trên 200m2, đến năm thứ 2 đã đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng, từ khi nuôi cá nước lạnh này cuộc sống gia đình mình ổn định hơn rất nhiều, dự tính trong thời gian tới mình sẽ mở rộng thêm diện tích để tăng thu nhập. Anh Nguyễn Gia Oanh (người đứng bên phải) giới thiệu với khách khu ươm cá tầm giống.
Theo thống kê của UBND xã Sơn Bình, hiện trên địa bàn xã có 2 doanh nghiệp và 21 cá nhân đang đầu tư nuôi cá nước lạnh ở 2 bản là Chu Va 12 và Chu Va 8 với 323 bể nuôi, diện tích 14.838 m2, thể tích bể, ao nuôi thương phẩm gần 14.400m3 và 446m3 thể tích bể nuôi cá giống, mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm tấn cá thương phẩm với giá bán bình quân từ 160.000 đến 200.000/kg đã đem lại doanh thu hàng trục tỷ đồng mỗi năm. Từ đó giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống ổn định.
Trao đổi với chúng tôi ông Hoàng Đình Quân - PCT UBND xã Sơn Bình cho biết: Trước đây người dân trong xã chủ yếu chỉ sinh sống bằng nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng với điều kiện tự nhiên sẵn có, đặc biệt là từ khi có một số doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư nuôi cá nước lạnh trên địa bàn, nhận thấy thu nhập từ cá nước lạnh cao hơn hẳn so với các loại hình khác nên đã có nhiều hộ gia đình ở bản Chu Va 8, Chu Va 12 đi học hỏi kinh nghiệm và đầu tư nuôi cá nước lạnh. Mặc dù, thời gian đầu tư chưa lâu nhưng đến nay đã có nhiều hộ trở thành những triệu phú nhờ nuôi loại cá này.
Với tiềm năng sẵn có của địa phương, Sơn Bình đã và đang được các cấp quy hoạch trở thành khu vực chuyên nuôi trồng cá nước lạnh tập chung không chỉ của Tam Đường nói riêng mà của toàn tỉnh nói chung, đây cũng là định hướng giúp người dân địa phương có thể mạnh dạn đầu tư để làm giàu, góp phần đưa xã Sơn Bình về đích Nông thôn mới.
Hoàng Cường