Là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh và đây cũng là vùng chè nguyên liệu của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển chè Tam Đường, sản lượng chè búp tươi trung bình hàng năm đạt trên 7.000 tấn. Cây chè được coi là cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hiện nay tại các vùng chè, người dân đang tích cực chăm sóc để đảm bảo cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn.
Có gần 1ha chè kinh doanh với các giống chè San và Kim Tuyên. Mỗi năm, thu hoạch từ chè đã đem lại cho gia đình anh Giàng A Chiếu, bản Cốc Phát, xã Bản Bo trên 60 triệu đồng. Đây là một trong những nguồn thu lớn để gia đinh anh Chiếu trang chải cuộc sống, nuôi các con ăn học. Hai ba năm gần đây gia đình anh đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường do đó các khâu từ kỹ thuật đốn, chăm sóc, thu hái đều được tuân thủ nghiêm các quy định của Công ty đề ra, hiện gia đình đang tích cực bón phân, phòng trừ các loại sâu bệnh hại để đảm bảo chè đạt năng suất và chất lượng. Anh Giàng A Chiếu chia sẻ: “ Sau khi thu hái lứa chè đầu tiên của năm nay, giờ gia đình mình đang tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân, tỉa tán. Chè hái đến đâu đều được công ty chè Tam Đường thu mua hết đến đó, cũng từ cây chè mà gia đình cũng thoát được nghèo rồi, giờ mình phải chăm sóc cho thật tốt để vụ sau chè xanh tốt, cho năng suất cao hơn.” Nhờ được chăm sóc tốt nên lứa chè xuân đầu tiên của xã Bản Bo cho năng suất cao.
Hiện nay toàn huyện Tam Đường có 1.582,5 hà chè, trong đó chè kinh doanh gần 1.100ha, sản lượng chè búp tươi đạt 7.200 tấn năm 2019, tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Các xã có nhiều diện tích chè gồm: Bản Bo, Sơn Bình, Nà Tăm, Bản Hon, Bản Giang. Xác định cây chè là chủ lực, những năm gần đây, ngoài tích cực mở rộng diện tích chè, người dân huyện Tam Đường còn đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cho cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại năng suất cao. Ông Hoàng Đình Quân – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết: “ Để duy trì diện tích và chăm sóc cây chè đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, chúng tôi cũng đã chủ động chỉ đạo đến các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền người dân chăm sóc chè, ngay từ cuối năm đốn chè, bổ sung các chất dinh dưỡng, sử dụng các loại phân bón, đặc biệt khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản xuất chè sạch và cho cây chè có đủ chất dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt ,”
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sau thời kỳ chè đốn và nghỉ đông, búp chè lên đều, tán khỏe, ít sâu bệnh. Cùng với đó là người dân tích cực bón phân, chăm sóc, bảo vệ vùng chè. Đây chính là tiền đề để nâng cao chất lượng, sản lượng chè qua từng năm.Yến Thanh