Nhiều năm qua, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu ở một số xã của huyện Tam Đường. Trên cơ sở đó, mấy năm trở lại đây xã Nà Tăm đã chuyển đổi những diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chè và cây chè đã từng bước đem lại hiệu quả góp phần làm thay đổi đời sống của người dân nơi đây.
Có mặt tại đồi chè của gia đình chị Lò Thị Kẻo ở bản Nà Hiềng trong lúc chị cùng với mọi người đang tất bật với công việc thu hái chè. Mặc cho cái nắng chói chang, ai nấy mồ hôi đầm đìa, song mọi người đều phấn khởi bởi những búp chè được thu hái đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình từ vài năm trở lại đây. Qua câu chuyện với chị Kẻo, chúng tôi được biết trước đây, toàn bộ diện tích này gần như bỏ hoang quanh năm do không có nước sản xuất, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, được sự vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng chè. Sau 5 năm, diện tích hơn 1ha đồi hoang hóa của gia đình chị trước kia đã trở thành một đồi chè xanh mướt đang đến kỳ thu hoạch, trung bình một năm đem lại nguồn thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi chị Lò Thị Kẻo, bản Nà Hiềng, xã Nà Tăm vui vẻ nói: Trước đây gia đình mình còn khó khăn, thu nhập chủ yếu từ cây lúa, cây ngô không đáng là bao, từ lúc được Nhà nước vận động trồng chè đến nay thu nhập của gia đình mình khá hơn trước rất nhiều, vì thế mà đời sống cũng có nhiều thay đổi không còn khó khăn như trước nữa.
Nằm sát với bản Hợp Nhất - xã Bản Bo, nhận thấy người dân của Bản Bo thu nhập cao từ trồng chè, năm 2015 khi nhà nước có chủ trương trồng chè chị Vàng Thị Sòn ở bản Nà Hiềng đã chuyển đổi 3.000m đất đồi kém hiệu quả sang trồng giống chè Kim Tuyên, đến năm 2018, gia đình chị trồng tiếp 5.000m chè PH8, hiện gia đình chị có 8.000m2 chè, trong đó 3.000m chè Kim Tuyên đã cho thu hoạch, bình quân 1 tháng đem lại thu nhập cho gia đình chị hơn 3 triệu đồng. Chị hi vọng vài năm nữa 8.000m chè sẽ đem lại cho gia đình chị một nguồn thu nhập ổn định. Nhân dân bản Nà Hiềng đang tập chung thu hái chè.
Theo nhiều hộ nông dân ở Nà Tăm, cây chè rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, dễ chăm sóc và chi phí đầu tư ít. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ mất từ 2-3 năm. Mỗi năm cho thu hoạch 7 - 8 lứa. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất chè càng cao, trung bình khoảng 4 - 5 tấn/ha. Giá bán bình quân từ 8 - 10 nghìn đồng 1kg, so với các cây trồng khác thì trồng chè cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều. Đặc biệt, người trồng chè không lo đầu ra, bởi cơ bản các hộ trồng chè đều đã liên kết bao tiêu chè búp tươi với Công ty Chè Tam Đường do đó người dân rất yên tâm phát triển diện tích chè.
Được biết, cây chè bắt đầu bén rễ trên đất Nà Tăm từ năm 2015, đến nay toàn xã hiện có khoảng gần 300 hộ trồng chè với tổng diện tích 118 ha, trong đó có trên 69ha đã cho thu hoạch, năng xuất đạt 40 - 45 tạ/ha, sản lượng đạt trên 550 tấn 1 năm. Đây là nguồn thu nhập ổn định giúp người dân nâng cao đời sống. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho rằng: Trước năm 2015, người dân ở xã Nà Tăm thu nhập chủ yếu nhờ vào trồng lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên từ khi thực hiện đề án thâm canh và phát triển vùng chè chất lượng cao đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đến nay sau 5 năm chúng tôi đã hình thành và phát triển được vùng chè nguyên liệu, từ đó đời sống của người dân từng bước được nâng lên, chúng tôi cũng xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế cho người dân trong xã ở những năm tiếp theo.
Trong thời gian tới, ngoài việc phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Nà Tăm sẽ tiếp tục tuyên truyền động viên người dân phát triển và mở rộng diện tích trồng chè, để cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân tại địa phương cải thiện đáng kể cuộc sống, từng bước XĐGN vươn lên làm giàu chính đáng. Hoàng Cường