Người dân Tam Đường điêu đứng vì thảo quả

Thứ ba - 22/03/2016 23:19 1.056 0
Những năm qua, thảo quả được coi là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp bà con nhân dân ở các xã vùng cao của huyện Tam Đường có nguồn thu nhập cao và ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, thậm chí có nhiều hộ trồng thảo quả đã trở lên khá giả. Tuy nhiên, sau đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1/2016, đa phần diện tích thảo quả trên địa bàn toàn huyện gần như bị chết hết, gây tổn thất rất lớn về kinh tế cho người dân, khiến hàng nghìn hộ dân điêu đứng.
Được biết, thảo quả được đa phần bà con dân tộc Mông sinh sống tại các xã vùng cao của huyện Tam Đường trồng đã rất nhiều năm nay, đây là cây trồng phù hợp ở dưới các tán rừng già, có độ ẩm cao, không khí mát mẻ. Theo bà con trồng thảo quả cho biết nếu được trồng bằng hom sẽ cho thu hoạch sau 3 năm chăm sóc, còn nếu trồng bằng hạt thì phải mất từ 5 - 6 năm mới được thu hoạch. Trải qua bao nhiêu năm, bà con nhân dân ở 12/14 xã, thị trấn của huyện Tam Đường đã trồng và gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cây thảo quả, từ cây thảo quả đã có thu nhập cao và ổn định lâu dài. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, huyện Tam Đường hiện có tổng diện tích gần 1.446 ha cây thảo quả, trong đó cơ bản các diện tích đều đã cho thu hoạch.
          Sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài 7 ngày từ 23 đến 29/1/2016, theo phản ánh của bà con nhân dân và các xã có trồng thảo quả thì hầu hết diện tích đều bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã khẩn trương rà soát và thống kê những diện tích thảo quả bị thiệt hại bởi rét và băng tuyết. Cùng đoàn kiểm tra của Phòng Nông nghiệp huyện, chính quyền xã và một số hộ dân đến một số vùng trọng điểm trồng thảo quả trên khu vực đèo Hoàng Liên Sơn thuộc xã Sơn Bình. Theo người dân dẫn đường chúng tôi ngược dốc lên rừng già, thật xót xa khi chúng tôi càng leo lên cao diện tích thảo quả bị chết rét càng nhiều, trước mắt chúng tôi là cả vạt rừng trồng thảo quả bị gãy đổ toàn bộ, lá chuyển màu héo úa như vừa trải qua một trận bão lớn vô cùng thảm hại. Không riêng gì thảo quả, đa phần các cây rừng ở khu vực này cũng héo và rụng hết lá chỉ còn trơ lại cành. Trước đây, dưới những tán rừng già này thỉnh thoảng một vài khoảng không ánh nắng mặt trời mới rọi được xuống đến dưới mặt đất, thì giờ đây chỉ còn lại những thân cây trơ trọi.
          Sau vài tiếng đồng hồ leo dốc, xuyên qua những cánh rừng trụi lá và những gốc thảo quả đổ gập thuộc xã Sơn Bình, đoàn kiểm tra gồm cán bộ của phòng Nông nghiệp huyện, lãnh đạo, cán bộ xã và một số hộ dân đã tiến hành khảo sát, kiểm tra trực tiếp kỹ lưỡng từ lá, thân, mầm, rễ của một số gốc cây thảo quả bị thiệt hại, qua kiểm tra ban đầu thấy rằng: Cơ bản diện tích thảo quả bị thiệt hại nặng nề khó có khả năng phục hồi, chỉ còn lại một số gốc cây vẫn còn tươi nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển.
          Cùng đoàn kiểm tra đến nương thảo quả của gia đình ông Vàng A Chu ở bản Chu Va 12, trong giọng nói đượm buồn ông Chu cho biết: Gia đình ông trồng thảo quả từ năm 1992, hiện có khoảng 8 ha cho thu hoạch, bình quân mỗi năm được 2,5 tấn quả khô, thu nhập đạt từ 200 đến 250 triệu đồng, nhưng nay toàn bộ diện tích thảo quả của ông cũng như nhiều hộ gia đình khác đều bị thiệt hại bởi rét đậm và băng tuyết, ông không biết phải làm sao nữa.
          Còn tại nương thảo quả của ông Chang A Chia ở cách đỉnh đèo chừng 4 - 5 km, tình hình cũng bi đát không kém, nhìn khuôn mặt thẫn thờ của ông khi chứng kiến những diện tích thảo quả của mình bị đổ rạp, trong khung cảnh đó chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng bởi công sức biết bao nhiêu năm của người dân nay bỗng trở thành công cốc vì sự khắc nghiệt của thiên tai. Ông Chia nghẹn ngào: Ngoài trồng ngô, lúa, bao nhiêu thu nhập của gia đình chủ yếu trông chờ vào gần chục ha thảo quả giờ thì mất hết rồi, không biết đến bào giờ mới lại có được thu nhập từ cây thảo quả nữa. Tôi chỉ mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp nhân dân chúng tôi để bà con nhân dân bớt khổ.


 
Đoàn kiểm tra đang tiến hành đánh giá những diện tích thảo quả bị thiệt hại.
 
          Không chỉ gia đình ông Chu và ông Chia ở bản Chu Va 12 - xã Sơn Bình bị thiệt hại mà có đến hàng nghìn hộ dân ở 11 xã trên địa bàn huyện Tam Đường có diện tích thảo quả cũng trong tình trạng tương tự. Trước tình hình trên, huyện Tam Đường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã có diện tích thảo quả bị thiệt hại, cần tiếp tục chăm sóc diện tích thảo quả còn sống để nhân giống, trồng lại trên diện tích đã mất. Trao đổi với chúng tôi Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Chúng tôi đã triển khai kiểm tra, rà soát những xã có diện tích thảo quả trong toàn huyện, qua kiểm tra cơ bản các diện tích thảo quả đều bị gẫy đổ chỉ còn lại một số gốc thảo quả vẫn còn tươi nhưng cũng chưa thể khẳng định là có thể phục hồi được hay không. Trước mắt chúng tôi đề nghị các xã và bà con nhân dân tích cực phát dọn những diện tích đã bị gãy đổ, đồng thời chăm sóc những gốc thảo quả chưa bị chết hoặc thối. Trên cơ sở hiện trạng của thảo quả như hiện nay chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên để có hướng giải quyết.


Mầm thảo quả bị chết bởi băng giá
 
          Đợt rét đậm, rét hại vừa qua gây thiệt hại lớn cho người dân trồng thảo qua là rất rõ ràng. Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn sau đợt rét đậm toàn huyện đã bị thiệt hại 1.373,52/1.445,7 ha thảo quả bằng 95% tổng diện tích, riêng những gốc có khả năng phục hồi thì cũng phải mất từ 2 đến 3 năm mới lại cho thu hoạch, cũng có nghĩa là hàng nghìn hộ dân sẽ bị mất một khoản thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là bà con nhân dân ở các xã có nhiều diện tích thảo quả như: Khun Há có 420 ha, Sơn Bình 343,7 ha, Tả Lèng 243,6 ha, Nùng Nàng là 166 ha.
          Xót xa thay, khi tận mắt chứng kiến những vạt thảo quả đổ gục, cháy lá dưới những tán rừng. Cũng đau xót xa thay, khi công sức người dân sau bao năm cần mẫn, chăm chỉ, giờ chỉ biết thẫn thờ nhìn công sức lao động đã vụt mất đi theo đợt rét vừa qua! Hiện tại, người dân trồng thảo quả đang hết sức mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ để chăm sóc và đầu tư giống cây thảo quả hoặc một số cây trồng khác để bù lại những diện tích bị thiệt hại do thiên tai trong thời gian vừa qua, đồng thời có giải pháp gia hạn và hỗ trợ một phần lãi xuất đối với các khoản vốn vay của bà con để người dân yên tâm sản xuất.

Tác giả: Hoàng Cường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down